Có hẹn với Cẩm Giàng

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã thầm hẹn với Cẩm Giàng (Hải Dương) rằng nhất định sẽ có ngày ghé thăm chốn ấy. Như cách một người xưa trở về thăm lại quê nhà thân thương của mình. Cho dù chưa từng một lần đặt chân đến vùng đất cách xa nơi mình đang sống nhưng cảm giác thân thuộc ấy luôn hiện diện một cách rất rõ rệt trong tôi.

Tôi luôn tự mường tượng trong đầu hình ảnh của ga xép nhỏ nằm bên phố chợ hiu hắt, mỗi buổi chiều lại vang lên tiếng trống thu không. Theo bóng chiều chạng vạng, dân kẻ chợ dần vãn, để lại trên nền đất những "vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi". Tôi không ngớt hình dung về một ngôi nhà nép bưới bóng hoàng lan với "những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhẩy múa theo chiều gió". Tất cả vẫn hiện diện ở nơi đó, đợi tôi tìm đến. Tôi tin mọi cảnh vậy vẫn sẽ nguyên vẹn như vừa mới bước ra khỏi những trang văn của Thạch Lam mà tôi đã đọc, đã say mê.

Vậy mà phải ba mươi năm sau, lời hẹn ngày nào mới được thực hiện. Trong hành trình tìm về ký ức ấy, những câu văn của Thạch Lam tiếp tục ngân vang trong tâm trí tôi, bồi hồi, xao xuyến.

Hình ảnh về khu đất từng là trại văn Tự lực văn đoàn ngày trước. Ảnh: Phong Điệp

Hình ảnh về khu đất từng là trại văn Tự lực văn đoàn ngày trước. Ảnh: Phong Điệp

Kể từ khi những tác phẩm của Thạch Lam ra mắt công chúng, neo vào tâm trí độc giả về địa danh phố huyện Cẩm Giàng - mảnh đất quê ngoại mà ông gắn bó suốt nhiều năm tháng, đến nay gần một thế kỷ đã trôi qua. Thế gian vật đổi sao dời, người văn đã thành thiên cổ. Phố chợ Cẩm Giàng nay cũng đã thay da đổi thịt. Không còn những chõng che, những lều quán lúp xúp, giờ thay vào đó là những kiot, cửa hiệu trang hoàng đẹp đẽ, hàng hóa phong phú, đa dạng chẳng kém chợ trung tâm nào.

Ngay sau đường Độc Lập - trục phố thương mại chính của huyện Cẩm Giàng là đường ray xe lửa. Thật may chừng ấy năm đường ray vẫn còn sử dụng. Lối rẽ vào ga Cẩm Giàng có biển báo ngay đầu ngã ba nối với đường Độc Lập, nhưng khách chẳng may nhãng ý rất dễ bỏ qua vì nhánh rẽ khá nhỏ, sau đó còn phải tiếp tục đi theo một con ngõ hẹp khá quanh co mới vào được cổng chính của ga. Có mặt ở ga đúng lúc có chuyến tàu dừng đón trả khách, tôi quan sát thấy lượng người lên xuống rất thưa thớt. Đoàn tàu dừng chóng vánh rồi hối hả rời đi, để lại những đường sắt nằm ưu tư cạnh ga xép nhỏ khiêm nhường. Nhân viên trực ga chỉ vài ba người, sau khi đoàn tàu khuất bóng phía cuối đường ray, nhịp sinh hoạt trở về trạng thái từ tốn, chậm rãi và có phần trầm lắng.

Theo những tác phẩm tôi đã đọc và các tài liệu có liên quan thì khu trại văn Tự lực văn đoàn cách ga Cẩm Giàng không xa. Bởi từ quán hàng nhỏ, chị em Liên trong tác phẩm "Hai đứa trẻ" có thể nhìn thấy đèn ghi sáng lên, báo hiệu tàu sắp đến. Và khi tàu đến, hai chị em "đứng dậy để nhìn đoàn tàu vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt".

Khi đọc tác phẩm ấy, tôi đang là cô học trò nhỏ ở một tỉnh lị nghèo. Tôi đã tự hình dung trong đầu mình những phố thị đông đúc, hào nhoáng mà đoàn tàu sẽ đi qua. Đó có thể là "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo". Hơn cả, đó còn là một thế giới mới lạ khác hẳn với nơi tôi đang sống, nơi tôi khao khát được tôi tìm đến, khám phá. Có lẽ chính vì sự đồng điệu ấy mà tôi càng say mê những trang viết của Thạch Lam.

Tôi đi dọc phố Độc Lập hỏi tìm người dân về trại văn Tự lực văn đoàn, về nhà cũ của bà Thông Nhu, mẹ nhà văn Thạch Lam. Nhưng thật lạ, với nhiều người địa danh ấy như thể chưa từng tồn tại. Kể cả những người lớn tuổi cũng ái ngại lắc đầu, không thể giải đáp câu hỏi của tôi. Liệu tôi có nhầm lẫn gì chăng? Chỉ đến khi tôi lục tìm ảnh trang trại đã đăng trên báo Hải Dương vài năm trước, một vài người lờ mờ nhận diện ra đó hình như là nhà kho chứa lương thực cũ. Tuy nhiên không ai nghe nói về nhóm Tự lực văn đoàn hay nhà văn Thạch Lam nào cả. Gọi điện "cầu cứu" một giáo viên dạy văn của Hải Dương, tôi tiếp tục nhận về câu trả lời "không biết, chưa từng đến", và lời khuyên thử đến làm việc với Ủy ban huyện Cẩm Giàng, có thể họ sẽ biết.

Tôi không nghi ngờ rằng nếu hỏi đến huyện, đến tỉnh sẽ tìm được địa chỉ của trại văn chương đình đám đầu những năm 30 của thế kỷ 20, song có một chút ngậm ngùi rằng một nơi đặc biệt như vậy, đã đi vào lịch sử văn học nước nhà, lẽ ra cần được phổ biến nhiều hơn. Thực tế không ít địa phương, từ những địa danh gắn với văn chương như vậy đã xây dựng thành điểm du lịch văn hóa ý nghĩa, thu hút du khách tìm đến, như điểm du lịch làng Vũ Đại (Hà Nam), nhà công tử Bạc Liêu (Bạc Liêu), thôn Vỹ Dạ (Huế)…

Thật may, sau cuộc gọi điện "cứu trợ" từ một người bạn làm báo ở Hà Nội, tôi đã tìm đến được trại văn Tự lực văn đoàn. Hóa ra, trại văn nằm cách nhà ga chỉ vài chục mét về phía Đông, đi xuôi theo đường sắt là tới. Cổng dẫn vào khu đất nằm ngay cạnh đường ray, có biển gắn trên cánh cổng sắt rỉ sét với dòng chữ đơn sơ "Tự lực văn đoàn".

Dễ nhận thấy khu vườn lâu không có người sinh sống, cỏ dại mọc đầy. Rêu lan kín cả nền gạch trước sân nhà. Giữa khu vườn là ngôi nhà ngói năm gian xuống cấp, các bức tường nứt nẻ, bợt màu vôi, cánh cửa sổ long khỏi bản lề. Cây dại bò lan trên mái ngói. Kế đó là bể chứa nước mưa bám đầy dương xỉ.

Theo các tư liệu ghi chép lại thì bà Thông Nhu, mẫu thân của nhà văn Thạch Lam khi xưa đã mua ba mẫu ruộng, nằm sát đường tàu, rồi cất đất làm nhà, xung quanh trồng cây. Khách đi tàu qua đây nếu để tâm có thể nhìn thấy khu vườn rất rõ.

Trong bài viết "Tìm kiếm Thạch Lam" tác giả Thế Uyên - cháu gọi Thạch Lam là cậu đã hồi tưởng lại ký ức về trại Cẩm Giàng: "Căn trại này biệt lập giữa cánh đồng, có dãy nhà ngang nhìn ra chiếc ao sát bờ tre, ngày ấy gọi là khu đàn ông. Căn nhà đầu tiên trải thảm cói dày, có nhiều ghế bành mây. Cửa lớn nhìn ra đường xe lửa bên kia lũy tre xanh. Chính ở đây những người đàn ông ngồi uống trà, hút thuốc, nói chuyện tâm đắc".

Sự thân thiện, hào phóng cởi mở của gia đình bà Thông Nhu, cùng ba anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam đã biến tư gia thành tụ điểm sinh hoạt của nhóm văn chương Tự lực văn đoàn cùng các nhóm Phong Hóa, Ngày Nay, thu hút đông văn nhân cả nước đã tìm đến.

Kháng chiến chống Pháp nổ ra. Thực hiện lời kêu gọi tiêu thổ kháng chiến của Đảng và Chính phủ, gia đình Thạch Lam đi tản cư. Vùng quê Cẩm Giàng cùng nhiều vùng miền khác biến thành vườn không nhà trống.

Ngay sau khi hòa bình lập lại, nhiều người dân đã trở về quê cũ, dựng lại vườn tược, nhà cửa, nhưng trại của gia đình bà Thông Nhu vẫn để không. Do đó chính quyền mới tiếp quản khu đất, một phần để làm kho lương thực, phần đất còn lại chia cho hai hộ gia đình nông dân trông nom, chăm sóc.

Trong số các gia đình tiếp quản trại văn chương Tự lực văn đoàn, hiện nay có gia đình ông Nguyễn Văn Đạm đang sử dụng khu đất chừng 2000m2. Đặc biệt khu đất này vẫn còn giữ được chiếc ao cùng nhiều cây ăn quả lâu năm như mít, nhãn... Ông Đạm cho biết trong nhiều lần cải tạo chiếc ao, ông Đạm tìm được nhiều vật dụng của gia đình bà Thông Nhu như bát đĩa, vỏ hộp mỹ phẩm,… cũng như một số mảnh gạch ngói cũ còn nằm dưới đáy ao, đánh thức dậy cả một dĩ vãng đã khuất xa. Mảnh vườn hầu như vẫn được giữ nguyên trạng sau nhiều năm.

Gian nhà ngói năm gian được ông Đạm dùng để trưng bày nhiều hình ảnh về gia đình cố nhà văn Thạch Lam. Chia sẻ với báo chí, ông Đạm từng bày tỏ rằng gia đình ông sẵn sàng hiến tặng mảnh đất nếu được sử dụng làm nhà lưu niệm, khu tưởng niệm nhà văn Thạch Lam cũng như nhóm Tự lực văn đoàn. Mong rằng chính quyền địa phương sớm có những phương án hiệu quả để lưu giữ, phục dựng lại một địa chỉ văn chương đặc biệt có giá trị không chỉ với tỉnh Hải Dương mà còn với công chúng yêu văn học trên cả nước.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/co-hen-voi-cam-giang-i662115/