Có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh...
Ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm
Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể.
Ngay khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành kế hoạch để triển khai thi hành; rà soát nội dung giao quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
Để khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt như: Chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; quán triệt nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế; nhắc nhở trực tiếp tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ về tiến độ, chất lượng ban hành văn bản quy định chi tiết.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, 41/63 (năm 2022), 28/63 (năm 2023) tỉnh, thành phố cũng đã ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn các luật, pháp lệnh mới, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, pháp lệnh.
Về kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực.
Kết quả, tính đến ngày 30/8/2023, số văn bản đã được ban hành là 38 văn bản, còn lại 10 văn bản chưa được ban hành.
Trong số 38 văn bản được ban hành, có 9/38 văn bản được ban hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Về công tác kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ (tháng 7/2021) đến ngày 15/6/2023, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với 10.504 văn bản (gồm 1.122 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 9.382 văn bản của địa phương).
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Theo đó, tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm lĩnh vực và một số nội dung cụ thể liên quan đến một số luật theo tổng hợp tại Báo cáo số 282 ngày 21/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội.
Ban cán sự đảng Chính phủ có báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội về kết quả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.
Về công tác triển khai các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ rà soát các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua; xác định nội dung giao quy định chi tiết, lập danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo.
Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc
Bên cạnh đó, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định: Một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để. Vẫn còn văn bản nợ chưa được ban hành chi tiết các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ. Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở chưa phù hợp;
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này còn chậm; một bộ phận báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế về kỹ năng, thiếu nguồn nhân lực chuyên biệt phổ biến, giáo dục pháp luật riêng cho đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc…
Nguyên nhân của hạn chế, bất cập, theo Phó Thủ tướng, số lượng văn bản phải xây dựng, ban hành rất lớn. Bên cạnh việc tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, các bộ còn phải tập trung nguồn lực cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024.
Một số cơ quan chủ trì chưa chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng. Nhiều văn bản là nợ từ các kỳ báo cáo trước, có nhiều nội dung phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp có thẩm quyền.
Một số trường hợp khoảng thời gian từ lúc Luật, Nghị quyết được thông qua đến thời điểm có hiệu lực rất ngắn, không đảm bảo thời gian cần thiết để xây dựng ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với luật, nghị quyết.
Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi. Việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản tại một số cơ quan chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định; lãnh đạo một số cơ quan chưa quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Tính chủ động đề xuất, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, xử lý các bất cập chưa kịp thời, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật….