Có hiểu lầm về ngành học Đô thị học do đặc thù tên gọi

Cử nhân Đô thị học có khả năng triển khai các dự án quy hoạch và thiết kế đô thị một cách khoa học, hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Xu thế đô thị hóa mang theo nhiều thách thức phức tạp như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nhà ở, bất bình đẳng xã hội,... Trong bối cảnh đó, nhu cầu đối với nguồn lực ngành Đô thị học ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách và mở ra cơ hội phát triển vượt bậc cho các đô thị.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Đô thị học không chỉ đóng vai trò quan trọng mà còn sở hữu tiềm năng to lớn trong việc định hình tương lai của các khu vực đô thị.

Từ việc tìm ra các giải pháp bền vững, xây dựng các khu đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng đến việc bảo tồn các di sản văn hóa và tự nhiên. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trên thực tế, ngành Đô thị học cung cấp kiến thức chuyên sâu về cấu trúc, vận hành, biến động và xu hướng phát triển của đô thị. Là công cụ phân tích sắc bén để các nhà đô thị học có thể nắm bắt những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sự hình thành và thay đổi của các khu vực đô thị.

Do đó, việc đào tạo cử nhân ngành Đô thị học có khả năng xây dựng và triển khai các kế hoạch, dự án quy hoạch và thiết kế đô thị một cách khoa học, hiệu quả và bền vững chính là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo

Với lợi thế hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đào tạo ngành Đô thị học, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa cho hay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm, khích lệ về hỗ trợ từ Nhà nước qua các chương trình, chính sách, dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cung cấp học bổng và tài trợ nghiên cứu dành cho sinh viên ngành Đô thị học.

Về phía nhà trường cũng có sự chủ động trong việc liên kết và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo.

Hàng năm, khoa Đô thị học thường xuyên tổ chức các chương trình trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu với các đối tác quốc tế, mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên và giảng viên.

Đối với cơ sở vật chất, trường chú trọng đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại, phòng máy tính với các phần mềm chuyên dụng hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, dẫu có nhiều thuận lợi nhờ sự ủng hộ từ nhà nước và nhu cầu thị trường nhưng ngành Đô thị học vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn về nguồn nhân lực, tài chính và sự cạnh tranh từ các ngành học truyền thống khác.

“Đặc thù từ tên gọi đã dẫn đến những hiểu lầm trong xã hội khi cho rằng đây là ngành học chỉ tập trung vào nghiên cứu lý thuyết về các vấn đề liên quan đến đô thị.

Thậm chí, nhiều người nghĩ rằng Đô thị học chỉ xoay quanh việc phân tích dữ liệu, lập kế hoạch quy hoạch và các nghiên cứu học thuật mà thiếu đi yếu tố thực tiễn và sáng tạo.

Trong khi đó trên thực tế, ngành Đô thị học được đào tạo với nhiều hoạt động thực tế và sáng tạo. Sinh viên theo đuổi ngành học này sẽ được tiếp cận với các dự án thực tế, các khóa học thực hành liên quan đến thiết kế đô thị, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Sinh viên được học cách sử dụng các công nghệ mới nhất như hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thực tế ảo (VR) và các phần mềm mô phỏng đô thị”, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa bày tỏ.

 Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Cử nhân Đô thị học có khả năng giải quyết nhiều bài toán thực tiễn

Đánh giá cao tiềm năng phát triển và vai trò của ngành Đô thị học trong việc điều hành, quản lý đô thị một cách minh bạch và chuyên nghiệp, chị Trần Thị Phương Thanh (cựu sinh viên ngành Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), hiện đang là chuyên viên phòng Quản lý đô thị Ủy ban nhân dân quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đô thị học là một trong những ngành khoa học liên ngành mang tính chất tổng hợp, gồm có các lĩnh vực chính như Quy hoạch đô thị; Thiết kế kiến trúc; Cảnh quan đô thị; Quản lý nhà nước về đô thị; Cơ sở hạ tầng đô thị; Quản lý đất đai; Quản lý môi trường…

Với xu thế phát triển xã hội như hiện nay, đây sẽ là ngành học hấp dẫn với nhiều cơ hội việc làm đa dạng, sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc trong nhiều môi trường khác nhau.

Theo đó, cử nhân ngành Đô thị học có thể tham gia vào các lĩnh vực như Thiết kế kiến trúc công trình, Thiết kế đô thị, Quản lý dự án đầu tư tại các công ty tư vấn thiết kế kiến trúc - quy hoạch hay các tập đoàn bất động sản và viện nghiên cứu kiến trúc.

Ngoài ra là làm công tác quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế hạ tầng; Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc làm nghiên cứu, giảng dạy tại các đơn vị và viện đào tạo…

Đối chiếu từ chương trình đào tạo ngành học tại trường và yêu cầu công việc trong thực tiễn, chị Thanh cho rằng bên cạnh việc học tốt các học phần đào tạo, sinh viên cần chủ động trong việc học hỏi, nắm bắt và cập nhật kiến thức, xu hướng mới, am hiểu lịch sử, văn hóa vùng miền. Bên cạnh đó là bồi dưỡng tư duy sáng tạo, nhạy bén, sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng công nghệ để có thể thích nghi và thực hiện tốt công việc trong nền công nghiệp 4.0.

 Chị Trần Thị Phương Thanh, chuyên viên phòng Quản lý đô thị Ủy ban nhân dân quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Chị Trần Thị Phương Thanh, chuyên viên phòng Quản lý đô thị Ủy ban nhân dân quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, ghi nhận từ thực tế trong gần 20 năm đào tạo ngành Đô thị học của nhà trường, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa cho hay, triển vọng việc làm đối sinh viên ngành Đô thị học vô cùng phong phú và đa dạng.

Cụ thể tại các cơ quan quy hoạch đô thị, cử nhân Đô thị học có khả năng phân tích hiện trạng, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất các giải pháp quy hoạch phù hợp cho toàn bộ khu vực đô thị, đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững. Qua đó thiết kế các khu dân cư, khu thương mại, khu công nghiệp, khu du lịch, thiết kế cảnh quan đô thị nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống và tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho đô thị.

Nhà đô thị học có thể vận hành và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo hoạt động hiệu quả và an toàn; quản lý trật tự đô thị qua việc giải quyết các vấn đề về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự xây dựng; quản lý các dịch vụ công cộng như thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, chiếu sáng công cộng,... đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thông qua việc nghiên cứu, phân tích dữ liệu và các vấn đề liên quan đến đô thị như dân số, kinh tế, giao thông, môi trường, biến đổi khí hậu… nhà đô thị học sẽ đề xuất các giải pháp khoa học để phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị. Qua đó dự báo xu hướng phát triển dân số, kinh tế, xã hội.. để xây dựng các chiến lược phát triển đô thị phù hợp.

Tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ… cử nhân Đô thị học có đủ khả năng để phụ trách giảng dạy các môn học về quy hoạch đô thị, quản lý đô thị, phát triển cộng đồng hay tham gia đào tạo các khóa học ngắn hạn, hội thảo, tập huấn cho cán bộ quản lý đô thị và các bên liên quan.

Bên cạnh đó là cơ hội được làm việc trong các lĩnh vực khác như phân tích, tư vấn đầu tư và phát triển các dự án bất động sản; Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường đô thị; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đô thị, phát triển các giải pháp đô thị thông minh.

Chương trình đào tạo tiên tiến, kết hợp học tập và trải nghiệm

Chia sẻ về quá trình học tập, chị Trần Thị Phương Thanh cho biết, ngành Đô thị học không quá nặng kiến thức về kỹ thuật như khối ngành Kiến trúc. Sinh viên ra trường có thể đáp ứng được các yêu cầu từ công việc ở các lĩnh vực liên quan đến đô thị.

Theo đó, trong 04 năm học tập tại trường, sinh viên ngành Đô thị học sẽ được đào tạo khối kiến thức chuyên môn bao gồm: Quy hoạch đô thị, Thiết kế đô thị, Quản lý đô thị, Phát triển cộng đồng, Khoa học môi trường, Kinh tế đô thị và Luật pháp đô thị.

Bên cạnh kỹ năng nghiên cứu khoa học, sinh viên còn được đào tạo thêm kỹ năng thu thập, phân tích và tổng hợp dữ liệu hiệu quả; kỹ năng giải quyết quyết vấn đề; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cụ thể với các phần mềm GIS, CAD và các công cụ phân tích dữ liệu khác để hỗ trợ công việc.

Trong quá trình học, sinh viên ngành Đô thị học sẽ được giao phụ trách các dự án thực tế để ứng dụng kiến thức và kỹ năng và từng công việc cụ thể. Đối với các học phần thực tập, thực tế, sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm, học hỏi từ thực địa, làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị về lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị.

 Sinh viên khoa Đô thị học,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) kiến tập tại Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên khoa Đô thị học,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) kiến tập tại Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Để giúp sinh viên tiếp cận và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn một cách hiệu quả, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa cho biết cần phải có sự linh hoạt trong công tác đào tạo để phát huy được những điểm mạnh của ngành học.

Theo đó, bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, sinh viên ngành Đô thị học sẽ được học tập theo hình thức trải nghiệm, thực hành qua các dự án. Ở một số học phần, sinh viên có cơ hội được tham quan thực tế, tham gia trực tiếp vào các dự án liên quan đến vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị.

Qua đó, người học có cơ hội trực tiếp quan sát và trải nghiệm môi trường thực tế, có cái nhìn tổng quan và thực tế hơn về các vấn đề đô thị, từ đó áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn.

Mặt khác, để người học có thể nắm bắt được những xu hướng mới nhất, cần tích cực mời các chuyên gia, nhà quy hoạch, kiến trúc sư, nhà quản lý đô thị giàu kinh nghiệm đến giảng dạy và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế để giúp sinh viên có định hướng và hình dung được rõ hơn về công việc sẽ làm.

"Hàng năm, khoa Đô thị học sẽ tổ chức các hội thảo, ngày hội tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp để giải thích rõ ràng về nội dung đào tạo, cơ hội nghề nghiệp và các kỹ năng thực tiễn mà sinh viên được trang bị.

Đây sẽ là cơ hội để các thí sinh và phụ huynh có thể trực tiếp gặp gỡ giảng viên, sinh viên hiện tại cũng như lắng nghe những chia sẻ từ các cựu sinh viên để hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp và các kỹ năng thực tiễn mà ngành học mang lại", Tiến sĩ Lê Thanh Hòa chia sẻ.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-hieu-lam-ve-nganh-hoc-do-thi-hoc-do-dac-thu-ten-goi-post244303.gd