Có hiệu trưởng nào được ưu tiên, đặc cách xét từ hạng III lên hạng II?

'Tôi là hiệu trưởng có được ưu tiên xét chuyển sang giáo viên trung học cơ sở hạng II mới không?'

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập thì không chỉ có nhiều giáo viên mà cả các cán bộ quản lý lo lắng về chuyển xếp hạng, chuyện giữ hạng, xuống hạng của mình.

Một hiệu trưởng trường trung học cơ sở gửi thư về Tòa soạn có nội dung như sau: “Tôi là một hiệu trưởng đang công tác tại một trường trung học cơ sở đang hưởng lương giáo viên trung học cơ sở hạng III theo Thông tư 22/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, có hệ số lương 3,65, phụ cấp chức vụ hiệu trưởng trường loại I là 0,55.

Năm 2012 tôi đã tốt nghiệp đại học sư phạm đúng chuyên ngành đào tạo, đã được học chứng chỉ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng II (tự túc), tuy nhiên do không có đợt xét thăng hạng nên hiện nay tôi vẫn giữ giáo viên trung học cơ sở hạng III.

Xin cho tôi hỏi:

1. Tôi đã có bằng đại học từ rất lâu, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn của giáo viên trung học ơ sở hạng II mới. Thì tới ngày 20/3 tới tôi được xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng nào?

2. Khi chuyển xếp lương thì hệ số lương của tôi sẽ bao nhiêu?

3. Nếu chỉ được chuyển sang giáo viên trung học cơ sở hạng III mới thì tôi có phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III không?

4. Tôi là hiệu trưởng có được ưu tiên xét chuyển sang giáo viên trung học cơ sở hạng II mới không?

Xin chân thành cám ơn và kính chúc sức khỏe!"

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Trước hết, xin chân thành cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thư về Tòa soạn. Đây cũng là câu hỏi được rất nhiều giáo viên cấp trung học cơ sở và cả nước quan tâm.

Theo tìm hiểu của cá nhân người viết, hiệu trưởng không còn là công chức mà là viên chức, hiện chưa có văn bản hay quy định nào xếp lương cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng,…) nên việc xếp lương, chuyển xếp lương của hiệu trưởng cũng giống như của giáo viên.

Còn phụ cấp hiệu trưởng, bạn tham khảo Thông tư số 33/2005/TT-BGD&ĐT ngày 8/12/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Bằng kiến thức cá nhân, căn cứ Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT người viết xin được tư vấn cho bạn cũng như các giáo viên đồng nghiệp khác như sau:

Thứ nhất, giáo viên trung học cơ sở hạng III trước đây sẽ chuyển sang hạng nào?

Tại “Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở

1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:

a) Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);

b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31);

c) Giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) […]

Như vậy bạn khi đang hưởng lương giáo viên trung học cơ sở hạng III có hệ số lương 3,65 thì bạn sẽ chỉ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) có hệ số lương tương ứng từ 2,34 đến 4,98.

Sau đó đủ thời gian giữ hạng III hoặc tương đương (09 năm), bạn sẽ được thi hoặc xét thăng lên giáo viên trung học cơ sở hạng II có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38.

Thứ hai, vấn đề chuyển xếp hệ số lương mới

Tại Thông tư 03/2021/BGDĐT quy định việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.

1. Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức quy định cụ thể như sau:

a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau:

Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.

b. Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.” […]

Do vậy, bạn đang hưởng lương giáo viên hạng III hiện tại có hệ số lương 3,65 ở bậc 6 khi chuyển sang lương mới bạn sẽ được chuyển sang lương giáo viên trung học cơ sở hạng III mã số mã số V.07.04.32 hệ số lương 3,66 bậc 5, thời điểm nâng lương lần sau theo quyết định nâng lương gần nhất đang hưởng của bạn.

Thứ ba, chuyển sang giáo viên hạng III có cần chứng chỉ chức danh giáo viên hạng III?

Chứng chỉ hạng I không thay được hạng II, giáo viên có thể bị xếp lương hạng III

Tại “Điều 3. Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số V.07.04.32 của chương II. Tiêu chuẩn giáo viên trung học cơ sở hạng III gồm:

[…] b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng). […]”

Ở quy định này thì giáo viên trung học cơ sở hạng III phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III.

Tuy nhiên, do bạn đã là giáo viên giữ hạng III hoặc tương đương nên sẽ áp dụng điều khoản sau đây:

Tại “Điều 10. Điều khon áp dụng

[…] 5. Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư này áp dụng đối với giáo viên trung học cơ sở được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.”

Do đó, giáo viên trung học cơ sở xếp hạng III chỉ áp dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tức là từ ngày 20/3/2021 trở về sau (giáo viên tuyển dụng sau ngày 20/3/2021).

Nên bạn đang là giáo viên nên khi chuyển xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng III bạn không cần có chứng chỉ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III.

Thứ tư, đặc cách khi thăng hạng giáo viên

Căn cứ Nghị định số: 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Tại “Điều 29. Thay đổi chức danh nghề nghiệp

Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm;

2. Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

3. Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.”

Như vậy, trong Nghị định của Chính phủ có quy định về xét thăng hạng đặc cách viên chức.

Về tiêu chuẩn, điều kiện để được xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp

Tại “Điều 41. Xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp

1. Viên chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 32 Nghị định này được xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh có yêu cầu về hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn chức danh nghề nghiệp hiện giữ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có văn bản kèm theo bản sao các văn bản chứng minh về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đặc cách của viên chức theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức xem xét, quyết định.”

Trích điểm a, b và c khoản 1 Điều 32 Nghị định này

TạiĐiều 32. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng

Trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định này thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng”.

Theo đó, dựa trên quy định trên, nếu bạn là hiệu trưởng đảm bảo các tiêu chuẩn trên thì bạn có thể đặc cách xét thăng hạng lên hạng II theo hướng dẫn của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện.

Một số thông tin và quan điểm tra đổi cùng bạn. Phần tư vấn có tính chất tham khảo.

BÙI NAM

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-hieu-truong-nao-duoc-uu-tien-dac-cach-xet-tu-hang-iii-len-hang-ii-post215784.gd