Cô học trò khuyết tật với ước mơ trở thành họa sĩ
Hướng dẫn, giảng dạy những học trò bình thường về mỹ thuật đã khó, việc giữ lửa và duy trì đam mê với học sinh khuyết tật không thể nghe, nói càng khó khăn hơn. Thế nhưng bằng tình yêu nghề, thương mến học trò, cô Trần Thị Thanh Hải, giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Tân Đồng, phường Tân Đồng đã giúp học trò nhỏ Lê Thị Phương Uyên, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài gieo giữ ước mơ trở thành họa sĩ.
Từ nhỏ, em Lê Thị Phương Uyên đã không thể nói và nghe được. Vì vậy, sau khi học hết mẫu giáo, em không thể đến trường học tập đúng độ tuổi như các bạn cùng trang lứa. 13 tuổi, em được gia đình cho đến chùa Sreyvonsa ở phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài học chữ. Chị Lê Thị Phụng, mẹ của Uyên chia sẻ: “Tuy không thể nghe và nói được nhưng khi mới 3 tuổi, Uyên đã sớm bộc lộ năng khiếu mỹ thuật. Ở nhà con hay nhìn đồ vật, phong cảnh thiên nhiên rồi chăm chỉ, miệt mài vẽ lại”.
Cô Thanh Hải tận tình hướng dẫn từng nét vẽ cho Phương Uyên - Ảnh: Đặng Hùng
Thời gian học chữ tại chùa Sreyvonsa, Uyên học rất nhanh và có thể ghép vần, viết thành câu để giao tiếp với mọi người. Cô giáo dạy chữ nhận thấy Uyên có khả năng vẽ tốt nên đã giới thiệu em đến lớp học mỹ thuật ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh do cô Trần Thị Thanh Hải đảm nhận. Hiểu hoàn cảnh khó khăn của Uyên và để em có thể tiếp nhận tốt những bài giảng của mình, cô Hải đã tìm tòi, nghiên cứu thêm các phương pháp truyền đạt phù hợp.
Hình thức giao tiếp của Phương Uyên với mọi người - Ảnh: Đặng Hùng
“Uyên là học sinh đặc biệt của lớp. Trước giờ chưa hướng dẫn trường hợp nào như vậy nên tôi đã nghiên cứu thêm một số phương pháp dạy học bằng khẩu hình trên internet. Khi áp dụng thì thấy Uyên có thể tiếp thu và hoàn thành bài tốt. Điều gì chưa hiểu em có thể viết ra giấy hoặc giơ tay lên thì mình sẽ biết để hỗ trợ thêm cho em” - cô Hải chia sẻ.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của cô Hải, khả năng hội họa của Uyên được phát triển dần mỗi ngày. Từ biết chữ và có thể viết thành câu, hay nhắn tin qua điện thoại… đã giúp Uyên rất nhiều trong giao tiếp với mọi người xung quanh, đó cũng là phương thức giúp em gần gũi hơn với cô và các bạn cùng lớp.
Phương Uyên giúp cô hướng dẫn lại cho cái bạn nhỏ trong lớp - Ảnh: Đặng Hùng
Lớp học mỹ thuật này là môi trường học tập bổ ích với Uyên và đây cũng là nơi em gửi gắm tất cả ước mơ tươi đẹp cùng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân. Và ở đây, ngoài học tập, trau dồi năng khiếu miễn phí, em còn nhận được rất nhiều sự quan tâm, thương yêu của cô giáo và các bạn cùng lớp. Điều này là điểm tựa tinh thần vững vàng để Uyên nuôi dưỡng đam mê. Em Trần Võ Quỳnh Anh, học sinh cùng lớp mỹ thuật với Uyên cho biết: “Con thấy chị Uyên học vẽ rất tốt, chị luôn làm xong bài cô giao. Chị có niềm đam mê vẽ rất lớn, con thấy chị vẽ nhiều tranh đẹp”.
Ngoài đam mê mỹ thuật, Uyên còn có ý chí và nghị lực rất cao. Tôi cũng luôn hỗ trợ, khuyến khích, động viên và có sự chia sẻ với em bất cứ lúc nào qua tin nhắn điện thoại để em ngày càng phát huy năng khiếu và tiến bộ hơn.
Cô TRẦN THỊ THANH HẢI, giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Tân Đồng, TP. Đồng Xoài
Bằng sự quan tâm và tận tụy giảng dạy, cô Hải đang giúp cô học trò nhỏ khuyết tật có được môi trường rèn luyện, phát triển năng khiếu bản thân, thỏa mãn đam mê hội họa và quan trọng hơn là giúp em tự tin, hòa nhập tốt với cuộc sống. Và đây cũng có thể là cơ hội mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng hơn cho cô học trò dù khiếm khuyết về thính giác và khả năng ngôn ngữ nhưng lại giàu nghị lực phát triển bản thân.