Cô học trò mồ côi cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm
Chúng tôi đến nhà em Lê Thị Thảo (sinh năm 2003), học sinh lớp 12A7, Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa) mồ côi cả cha lẫn mẹ vào lúc Thảo vừa đi học về. Trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, không có gì đáng giá. Bà Hoàng Thị Lư - bà nội của Thảo thở dài rồi kể cho chúng tôi nghe về những biến cố xảy ra trong gia đình bà.
Thảo hiện sống cùng bà nội và người anh trai. Ảnh: Minh Hiền
Mẹ Thảo mất vì căn bệnh quái ác từ khi em mới 6 tuổi. Bố đột ngột qua đời vào tháng 4-2021 khi đang trên đường đi làm về. Từ ngày bố mất, Thảo và anh trai ở cùng với bà nội. Bà nội Thảo năm nay đã 83 tuổi, lưng còng, ốm yếu. Còn anh trai Thảo lại bị tàn tật, đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Cũng may, bên cạnh nhà Thảo có người bác ruột, sớm tối đỡ đần bà cháu khi tối lửa, tắt đèn, nhưng kinh tế của gia đình bác cũng không được khá giả vì quanh năm bác trai ốm đau, bệnh tật và cũng đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
“Nhiều lúc nằm nghĩ mà lòng tôi quặn thắt! Bố mẹ hai đứa nhỏ qua đời để chúng bơ vơ, tội nghiệp. Không có người lo kinh tế, chăm sóc nên việc sinh hoạt, ăn uống của chúng đều thiếu thốn. Từ nhỏ, Thảo đã vắng bàn tay chăm sóc của mẹ. Nay bố mất đi, nó trở nên trầm tính, ít khi cười. Trước hoàn cảnh của 3 bà cháu, thầy, cô giáo trong trường của Thảo cũng rất quan tâm, thường xuyên động viên Thảo vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cố gắng học hành. Nhà trường cũng đã miễn các khoản đóng góp cho cháu; họ hàng, xóm giềng chạy đi chạy lại chia sẻ nỗi đau, giúp đỡ các cháu những khi khó khăn. Anh trai Thảo bị bệnh về mắt, không nhìn rõ mọi thứ xung quanh nên bỏ học từ năm lớp 9, hằng ngày chỉ loanh quanh trong nhà. Tôi thương Thảo vì nó là con gái, thiếu thốn về tình cảm, vật chất nó sẽ rất thiệt thòi trong cuộc sống. Vì vậy, tôi chỉ mong cháu được tổ chức hoặc nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ cháu để cháu có điều kiện được học hành, sau này có thể tự lo cho cuộc sống và giúp đỡ anh trai của nó” - bà Hoàng Thị Lư nói.
Ngồi bên cạnh nghe bà nội trao đổi với chúng tôi, mặt Thảo chùng xuống, rồi nhỏ nhẹ: “Em không biết tương lai của mình sau này sẽ ra sao nữa, nhưng em nghĩ mình phải cố gắng vượt qua khó khăn để học tập, sau này còn là chỗ dựa cho bà và anh trai. Trước mắt, em đang tập trung ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Em đã làm hồ sơ đăng ký thi vào khoa du lịch và quản trị khách sạn của một trường đại học ở Hà Nội. Vì em nghĩ, ở Hoằng Hóa, lĩnh vực du lịch đang ngày một phát triển nên việc tìm kiếm việc làm gần nhà sau khi ra trường cũng sẽ thuận lợi hơn” - Thảo cho biết.
Qua trò chuyện với Thảo, tôi biết trong em đang chất chứa nhiều cảm xúc ngổn ngang, những nỗi buồn giấu kín trong lòng. Thảo không chỉ lo lắng cho kỳ thi mang tính bước ngoặt cuộc đời mà còn là nỗi lo về gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền và các khoản chi phí nếu em muốn tiếp tục con đường học hành.
Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của Thảo, cô giáo Trịnh Thị Xuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7, Trường THPT Lương Đắc Bằng, chia sẻ: “Trước những biến cố, khó khăn của gia đình, những tưởng Thảo sẽ bỏ dở việc học hành nhưng em luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên để học tốt. Thảo là học sinh chăm ngoan, giàu nghị lực, em mong muốn tiếp tục được học hành để sau này có việc làm ổn định, lo cho bà và anh trai của mình. Trước khó khăn của em, nhà trường đã miễn các khoản đóng góp cho em. Tuy nhiên, chặng đường học hành phía trước của Thảo còn dài, em rất cần sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các mạnh thường quân giúp đỡ Thảo về tài chính, động viên em về tinh thần, để em có động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống”.