Cô học trò xưa
Tôi quyết định về qua trường cũ. Nghe nói, trường đã thay đến hai đời hiệu trưởng mới, nhiều cô chú đã về hưu, cánh trẻ cứng cáp đều chuyển về nơi có cơ hội phát triển hơn. Nghĩ thế nào, tôi dừng lại ở chiếc ghế của người cắt tóc dưới bóng cây bồ đề ngay bên tường rào. Sau khi đã cắt tỉa xong, lúc đang cạo râu, ông thợ cắt bảo: 'Nom chú nhìn nhang nhác thầy gì ngày xưa cũng dạy trường này…'. Tôi nghe thế hơi nhổm người lên khỏi cái ghế bọc da khiến lưỡi dao cứa vào cằm tạo ra một vết xước. Lúc đợi ông đổi tiền lẻ, tôi tò mò gặng hỏi:
- Bác thấy tôi giống ai?
- Giống... cái thầy gì từng chủ nhiệm con gái tôi. Tôi chưa gặp bao giờ. Chẳng qua, tôi xem tranh nó vẽ.
Ngày đó, tôi là chủ nhiệm lớp, một lớp mà phần đông là các cô nữ sinh con nhà khá giả, cô nào mắt cũng trong veo lấp lánh ngoan hiền nhưng cũng ẩm ương, bướng bỉnh. Một lần, tôi bắt gặp một cô nữ sinh tên Hương đang vẽ hình tôi bằng bút chì. Cô bé vẽ đẹp nhưng lại gắn cho tôi cái áo siêu nhân người nhện khá nực cười.
Năm ấy, lớp có một chuyến đi thực tế trong ngày. Bốn giờ chiều, cả đoàn theo đúng lịch lên xe trở về thành phố thì một tin không vui ập đến:
- Thầy ơi bạn Hương bị bong gân.
Tôi tái mặt. Tuy chẳng phải người non nớt gì nhưng cái áp lực trách nhiệm khiến ngực tôi như vừa bị một khối đá tảng đè lên. Sau khi được một anh người dân tộc sơ cứu, anh ta nói không thể để Hương đi bộ ra xe được. Vì như thế chất độc sẽ lan ra các mạch máu, hơn nữa, bắp chân Hương đang đau khó có thể bước đi. Cả đoàn toàn nữ sinh mảnh mai, có mấy cậu con trai thì mặt đỏ tía tai. Trai chuyên Văn sinh ra chỉ để viết thư tình và làm thơ, người ta thường bảo thế. Giữa núi rừng đang sắp chìm vào chiều muộn và cơn mưa núi đang rình rập trong gió ẩm, tôi chẳng còn biết làm cách nào ngoài đưa tấm lưng ra để cõng Hương. Hương lớn hơn các bạn, vóc dáng bắt đầu có những nét mềm mại nhưng đặc biệt là đôi mắt luôn bình thản. Sau vài phút ngại ngần giữa hai người, cảm giác thứ hai của tôi là sự đau mỏi của các bắp chân. Phải nói là Hương nặng hơn sự tưởng tượng của tôi, cô bé đã cố nén sự sợ hãi nhưng tôi vẫn nhận ra những giọt nước mắt đã lăn xuống thật chậm lên cổ áo tôi. Chúng tôi bị bỏ lại phía sau cùng.
Mưa bắt đầu ập xuống khi chúng tôi chỉ còn cách đường cái một con suối. Nước lũ ở đâu tràn đến và dâng cao. Lần đầu tiên tôi thấy mình bất lực trước thiên nhiên. Ngó lại đám học trò yếu ớt đang đứng bên kia dòng suối cũng đang ướt sũng trong mưa, tôi gọi to:
- Các em về đi, nếu không đi nhanh, các dòng suối đều dâng lên sẽ không ai chạy được.
Đêm đó, chỉ còn tôi và Hương ở trên cái hang đá trong tiếng mưa đêm. Cổ chân của Hương không còn sưng to nhờ thứ lá thuốc kì diệu. Tôi chỉ có thể nhóm được một đống lửa để sưởi ấm cho cô học trò nhỏ:
- Sao thầy biết nhóm lửa?
- Vì thầy từng ở nông thôn. Đứa trẻ nào ở quê cũng phải biết chiến thắng bóng tối. Mà em còn đau không?
- Em đau. Em muốn thầy kể về ngày xưa của để quên nỗi đau này đi…
Tôi cứ thế kể cho đến khi Hương ngủ thiếp đi. Bầu trời phía Đông đang hửng lên thứ ánh sáng đầu tiên của một ngày. Tôi vươn vai đứng dậy, nhìn về phía thành phố. May là ở đây là vùng không có sóng điện thoại chứ nếu không tôi không biết trả lời thế nào với phụ huynh, với cô bạn gái mới quen đã hẹn đi chơi tối qua… Tôi nhặt một chiếc lá. Tôi ngắm nhìn nó và đặt vào tay Hương. Cô bé đang ngủ thiếp đi trên chiếc áo tôi trải xuống nền hang đá và chờ nước suối rút đi…
Những ngày sau, tôi nhận ra cô bé thường mang theo chiếc lá khô đó trong vở. Chiếc lá được giữ trong lớp nylon được ép cẩn thận. Màu đỏ của mùa thu như một âm thanh còn đọng mãi…
- Sao em lại giữ chiếc lá? - một lần tôi hỏi Hương.
- Vì nó vẫn đỏ thắm hy vọng thầy ạ!
Sau lần ấy, tôi bị kiểm điểm trách nhiệm vì xảy ra sự cố nguy hiểm đến tính mạng học sinh. Có người đặt điều rằng tôi có quan hệ không trong sáng. Trong số đó lại có con một vị giám đốc doanh nghiệp vừa ủng hộ tiền sửa sang lại trường lớp. Ông ta cương quyết gây sức ép để người ta phải điều tôi đi trường khác.
Hôm ấy, khi chia tay tôi, mọi người rất ít nói. Chỉ đến khi tôi chuẩn bị bước đi, chị tổ trưởng mới đưa cho tôi một lá đơn chữ viết xiêu vẹo. Trong lá đơn, người viết có nói tới sự biết ơn vì tôi đã cứu được tính mạng con gái mình. Dĩ nhiên, chẳng ai bận tâm đến điều đó, một lá đơn cũng không thể cứu vãn được “sai phạm có hệ thống” của tôi. Nhưng tôi biết, điều đáng sợ hơn là phía sau lưng tôi còn bao lời đồn thổi về Hương - cô học trò đã qua một đêm như thế nào với thầy chủ nhiệm trẻ tuổi trong hang đá ấy.
Mấy năm sau, tôi đã thành một người thành danh trong ngành truyền thông và được mời thỉnh giảng với các sinh viên đại học. Trong các buổi thuyết trình, tôi thường nhắc đến một quy tắc kiểm chứng. Tôi nói với họ: “Trong thời đại mà thông tin bùng nổ với số lượng lớn, mức độ và tính chất đa dạng thì sự kiếm chứng chính là cách chúng ta đánh giá, nhận thức chứ không dừng ở việc tiếp nhận nó”. Trong rất nhiều khóa học, đã có học viên tìm gặp tôi và nói đã từng được nghe tôi giảng bài khi ở phổ thông, họ chúc mừng tôi và chia sẻ những tâm sự trong công việc. Những khi ấy, trong tôi thoáng một chút bâng khuâng về nghề cũ, những thoáng qua như tia chớp trong đêm mưa.
Một lần, khi đang nói chuyện với sinh viên và các giảng viên mới, tôi nhắc đến kỉ niệm của chính mình, tôi hỏi tất cả những người có mặt ở đấy:
- Các bạn có tin vào sự trong sáng của tôi và cô bé ấy không?
Đa số đều lắc đầu và cười ồ lên. Đúng lúc ấy, tôi nhận ra có một học viên ngồi phía cuối xin phép bước ra khỏi phòng. Tôi gật đầu ra hiệu sự đồng ý để cô ta đi ra ngoài. Nhưng linh tính của tôi có một sự thấp thỏm một nỗi không yên. Tôi cho lớp nghỉ sớm, tôi đi đến cuối lớp và nhận ra chiếc lá của ngày xưa. Tôi vội vã chạy ra ngoài. Lúc này thang máy đang bận. Tôi chạy vội qua các bậc thang, thời gian đã không cho đôi chân tôi thanh thoát như ngày nào. Tôi cứ thế chạy đua với quá khứ cho đến khi xuống sân và không tin vào mắt mình khi thấy một người ngồi lặng lẽ ở chiếc ghế đá vắng vẻ phía dưới hàng cây. Tôi bước đến, Hương quay đầu lại, khuôn mặt bình thản, cất tiếng chào tôi khe khẽ:
- Thật bất ngờ khi gặp lại em ở đây. Em không giận vì thấy đã mang câu chuyện xưa ra kể chứ?
- Em không, em thấy được trân trọng vì thầy vẫn nhớ đến em. Em vẫn tin sẽ có ngày được gặp lại thầy.
- Vì sao em?
- Vì em nghĩ, một người thầy có tâm, luôn làm những điều mình cho là đúng và không bỏ rơi bất kì một thân phận nhỏ bé nào thì người đó sẽ không từ bỏ con đường của mình. Em và thầy hiểu, trân trọng nhau là đủ.
- Nhưng tại sao em bỏ lại chiếc lá ấy trên bàn?
- Em đã cất giữ nó như một kỉ niệm buồn với bao sự hiểu lầm. Nhưng giờ e đã được gặp thầy, em muốn bỏ lại tất cả phía sau lưng. Cũng như thầy nói, sẽ đến lúc ta nhận ra sự thật dù nó được gọi tên là gì. Phải không thầy?
Tôi về lại gốc bồ đề. Ông thợ cắt tóc đã không còn ngồi ở đó nữa. Hỏi thăm, người ta bảo ông đang nằm viện. Tôi tìm đến phòng bệnh, Hương đang ngồi bên giường bệnh cầm tay bố. Ông kể cho tôi nghe những tháng ngày hai bố con nương tựa vào nhau. Hương đã từng khuyên ông từ bỏ cái ý định đợi tôi ghé về trường xưa.
- Tôi biết dù không muốn nhắc lại quá khứ nhưng cậu sẽ về. Khi cắt tóc cho cậu, tôi đã nhận ra và tôi đã nói với Hương… Nhờ thầy mà nó đã có sự động viên và thi đậu đại học.
Tôi bước ra cầu thang, cảm thấy lòng thanh thản. Rồi sau này Hương cũng sẽ là đồng nghiệp của tôi, một câu chuyện mới sẽ bắt đầu từ tình thầy và trò của nhiều năm về trước… Có những chiếc lá cuối mùa thu nhưng vẫn giữ trong mình ngọn lửa đam mê…
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202211/co-hoc-tro-xua-3144785/