Cơ hội bứt phá của thị trường bất động sản khu Bắc TP HCM
Theo các chuyên gia, bức tranh thị trường bất động sản 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại.
Bối cảnh mới với nhiều tiền đề tốt
Thị trường bất động sản năm 2021 dần khép lại với điểm nhấn là những đợt sốt giá nhà đất tại hầu hết các địa phương trên cả nước bất chấp những e ngại khó khăn về dịch bệnh Covid-19.
Nhiều dự đoán cho hay, mặt bằng giá bất động sản sẽ thay đổi mạnh vào đầu năm 2022 khi các thông tin về quy hoạch, hạ tầng cũng như cơn sốt đất cục bộ rục rịch thời điểm cuối năm. Theo các chuyên gia, dòng tiền chảy vào bất động sản nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn cả thời điểm trước dịch và có xu hướng đổ về những khu vực có sự phát triển về hạ tầng và đầu tư công.
Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia, trong tổng quy mô gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế 2 năm 2022-2023 (445.760 tỉ đồng giá trị thực chi) thì có tới 150.000 tỉ đồng được đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư hạ tầng được thực hiện ra sao sẽ là yếu tố định hình thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Tiềm năng phát triển tại những khu vực "cũ" mà "mới"
Bán đảo Thanh Đa là khu đất vàng cuối cùng còn sót lại nằm cạnh trung tâm TP HCM - có vị trí cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc TP HCM. Chính vì vậy, tiềm năng phát triển của khu vực này lớn.
Từ trước đến nay, người dân muốn kết nối với bán đảo Thanh Đa chỉ có 2 lối vào đó là qua cầu Kinh Thanh Đa theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh hoặc đi qua phà Bình Quới từ phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, bức tranh tương lai đã có nhiều tín hiệu khởi sắc khi mới đây, trong 4 cây cầu mà TP HCM lên kế hoạch hoàn thành trong 5 năm tới (giai đoạn 2021-2026), có đến 2 cây cầu dùng để "mở cửa" cho bán đảo Thanh Đa. Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM, các cây cầu này được kỳ vọng giúp tăng cường năng lực giao thông khu vực và hoàn chỉnh hạ tầng giao thông theo quy hoạch nhằm phát triển du lịch, kinh tế - xã hội cho TP HCM.
Trong đó, cầu Bình Quới có chiều dài 840m, 6 làn xe, có mức đầu tư 3.453 tỉ đồng, cầu Bình Quới - Rạch Chiếc cũng có chiều dài tương tự và mức đầu tư 3.392 tỉ đồng. Đồng thời, tuyến đường trục chính hiện tại là đường Bình Quới cũng sẽ được đầu tư mở rộng. Với thông tin này, cửa ngõ dẫn vào bán đảo Thanh Đa sẽ được khơi thông, bán đảo Thanh Đa sẽ phá vỡ được thế độc đạo, tạo động lực phát triển.
Bên cạnh đó, cùng yếu tố quy hoạch các tuyến đường và cơ sở hạ tầng trọng điểm đã thúc đẩy kinh tế ở các khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức phát triển vượt bậc. Khu Bắc cũng là địa điểm mà theo chủ trương của TP HCM từ năm 2019 sẽ biến nơi đây thành tâm điểm của quy hoạch cũng như các công trình giao thông trọng điểm. Đơn cử như tuyến đường Quốc lộ 13 từ quận Bình Thạnh tới điểm cuối là huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án này mở rộng diện tích lòng đường lên đến 60m, tổng vốn trên 5.000 tỉ đồng; Hoàn thành việc di dời bến xe Miền Đông về quận 9;…
Đặc biệt, sự phát triển của trung tâm thương mại, giải trí công cộng, nhà hàng, khu vui chơi,... gắn với quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị mới, có đất nền pháp lý minh bạch đã khiến khu vực Thanh Đa thu hút đầu tư, số lượng giao dịch tốt và giá tăng cao. Theo các chuyên gia, nhóm nhà đầu tư có tài chính hạn chế sẽ có khuynh hướng cao đầu tư "dài hơi" vào phân khúc đất nền, cụ thể là phân khúc đất nền tại khu vực giáp ranh được ưu tiên hơn tất cả.
Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong nhiều năm qua ở mức xấp xỉ từ 6-7%, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến lý tưởng để đầu tư so với các nước trong khu vực, đặc biệt là mảng đầu tư vào thị trường bất động sản. Savills Việt Nam cho rằng có nhiều cơ hội đầu tư trong năm 2022 dành cho cả nhà đầu tư cá nhân. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều nhà đầu tư vẫn kiên nhẫn tham gia thị trường vào giai đoạn này và xem đây là kênh tích lũy cho các khoản đầu tư bởi bất động sản luôn tăng giá đáng kể.