Cơ hội cho bên mua có thể sớm xuất hiện
Diễn biến hiện tại của tâm lý thị trường khá mong manh và dễ bị tác động. Sự lưỡng lự và xu hướng giảm đang có vẻ thắng thế, nhưng cơ hội cho bên mua có thể sớm xuất hiện.
Chứng khoán Mỹ và vàng song hành trên đường về đỉnh
Lượng lớn thông tin vĩ mô có triển vọng tích cực đã hỗ trợ cho các chỉ số chứng khoán tăng mạnh. Số liệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua đã tăng lên 218.000. Đáng kể hơn, báo cáo thu nhập và chi tiêu cá nhân trong tháng 10 cho thấy, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng 3,5% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất trong năm nay.
Chỉ số Dow Jones thiên về công nghệ đã tăng lên mức cao mới trong năm 2023, trong khi S&P 500 tiệm cận vùng đỉnh, khi dữ liệu lạm phát hạ nhiệt củng cố cho quan điểm rằng, Fed đã hoàn thành quá trình tăng lãi suất. Có thể nói, thị trường cổ phiếu đã kết thúc tháng 11 rực rỡ, với chỉ số MSCI All-Country World tăng gần 9%, đánh dấu tháng tốt nhất của chứng khoán toàn cầu kể từ tháng 11/2020 - thời điểm tin tức về bước đột phá trong cuộc đua phát triển vắc-xin Covid-19 giúp giá cổ phiếu tăng vọt.
Trên bảng đồ thị vận động các tài sản, chỉ số S&P 500 đang nằm trong khu vực tăng mạnh, dù phiên cuối tuần, động lực tăng giảm bớt. Ngược lại, các chỉ số chứng khoán châu Á nằm trong vùng giảm mạnh, khi các nỗ lực thúc đẩy kinh tế chưa cải thiện được các số liệu vĩ mô. Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất Caixin của Trung Quốc trong tháng 11 cho thấy, lĩnh vực sản xuất của nước này suy giảm tháng thứ hai liên tiếp. Chỉ số VN-Index đã có những bước đầu tiên tiến sát vào vòng Elip, đây là dấu hiệu tích cực mang tới hy vọng sẽ có sóng tăng mới trong tương lai gần.
Chịu sự tác động từ kỳ vọng Fed sẽ không tăng thêm lãi suất, dòng tiền vào các tài sản an toàn dần cân bằng hơn. Tuy nhiên, vàng là tâm điểm trong tuần qua khi giá vàng quốc tế lần thứ tư vượt mốc 2.000 USD/ounce và tiến sát vùng đỉnh cũ thiết lập vào các năm 2020 và 2022 và 2023. Dù giá vàng thế giới chưa tới đỉnh cũ, nhưng do tỷ giá USD/VND hiện tại cao hơn nên giá vàng trong nước cũng tăng mạnh. Giá vàng miếng SJC liên tục lập kỷ lục mới, đạt 74,5 triệu đồng/lượng trước khi hạ nhiệt. Trên đồ thị tài sản, vàng đang quay trở lại vùng hồi phục, cho thấy khả năng tiếp tục thu hút dòng tiền và giá có thể vượt đỉnh dài hạn.
Giá dầu thô đã chấm dứt mức tăng vào đầu tuần và giảm hơn 2% vào thứ Năm, dù OPEC+ thông báo một số quốc gia thành viên đã đồng ý cắt giảm tự nguyện gần 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 1/2024, do các nhà giao dịch thất vọng vì mức cắt giảm ít hơn dự kiến và thiếu thông tin chi tiết về việc thực thi hạn ngạch. Bản chất tự nguyện của việc cắt giảm sản lượng cũng làm dấy lên hoài nghi về việc liệu chúng có thực sự được thực hiện hay không.
VN-Index giằng co trong biên giá hẹp
Chỉ số VN-Index tiếp tục có diễn biến giằng co trong khoảng giá hẹp 50 điểm, từ 1.080 - 1.130 điểm, tình trạng đã kéo dài kể từ đầu tháng 11. Sự lưỡng lự gia tăng khi chỉ số không dao động mạnh, với khối lượng giao dịch giảm đáng kể. Bên mua và bên bán đang đợi chờ một diễn biến rõ ràng hơn của VN-Index trong việc thoát khỏi vùng giá này, để hình thành một xu hướng thực sự rõ ràng.
Mẫu chốt của tuần qua, chủ yếu xoay quanh sự lưỡng lự, do dự của các bên. Qua biểu đồ VN-Index, chúng ta có thể nhận thấy, giá duy trì trong vùng thu hẹp dần của MA20 và MA50. Điều này báo hiệu xu hướng giá sẽ sớm thể hiện khuynh hướng, khi vùng giá càng lúc càng được thu hẹp.
Hiện tại, VN-Index không có nhiều thay đổi về mức giá, duy trì ở mức Fibonacci 61,8%, tức quanh ngưỡng1.100 điểm. Tuy giá không có nhiều thay đổi, nhưng những đường trung bình giá bắt đầu thể hiện xu thế rõ hơn, khi từ đầu tuần, MA50 bắt đầu cắt xuống đường MA200. Một xu thế mới có khả năng sẽ sớm được hình thành và cơ hội để mua được những cổ phiếu ở mức giá hấp dẫn đang đến gần, trong bối cảnh kinh tế dần phục hồi.
Kèm với đó, những biểu đồ kỹ thuật tiếp tục không xác nhận cho xu hướng rõ ràng nào trong tuần qua. Đường MACD duy trì trên đường Signal, tiếp tục tiệm cận nhưng chưa thể cắt lên trên đường 0. Historgram của MACD gần như bằng 0 suốt cả tuần, điều này xác nhận cho sự lưỡng lự của một xu hướng không rõ ràng.
RSI cải thiện hơn khi ghi nhận tại mức gần 50 trong phiên cuối tuần. Với mức điểm giữa này, RSI cũng đang đợi chờ cho một sự rẽ hướng rõ ràng. Bên bán và bên mua có lẽ đều tạm dừng, nghe ngóng tình hình, khi tất cả các chỉ số chỉ quanh mức trung bình, kèm khối lượng sụt giảm.
Tâm lý thị trường yếu đi so với tuần trước đó, khi thống kê xác suất đầu tư giảm xuống dưới 20%, còn đà lan tỏa đã tạo đỉnh ngắn hạn và chưa kiểm tra lại đường MA10 của bản thân. Diễn biến hiện tại của tâm lý thị trường khá mong manh và dễ bị tác động theo hướng xấu đi, khi thị trường Mỹ tăng mạnh nhưng VN-Index không tăng và dễ suy giảm trong trường hợp thị trường Mỹ điều chỉnh từ vùng đỉnh cũ.
Mặc dù các chỉ báo kỹ thuật của VN-Index cho thấy sự lưỡng lự và xu hướng giảm đang có vẻ thắng thế, nhưng bên cạnh việc chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nếu đợt sụt giảm xảy ra, thì còn cần trả lời câu hỏi quan trọng: đây là giai đoạn phù thịnh hay phù suy? Lưu ý, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục chậm rãi từ đáy dịch Covid-19, với các số liệu vĩ mô xấu nhất đã qua.
Bên cạnh đó là tiềm năng đến từ kỳ vọng nâng hạng thị trường và triển vọng thu hút dòng vốn ngoại. Do vậy, những pha điều chỉnh, tìm đáy 2, thậm chí là sụt giảm của thị trường đều được coi là cơ hội hiếm có để tận hưởng sự tăng trưởng dài hạn của cả nền kinh tế mà thị trường chứng khoán chính là hàn thử biểu. Quan sát kỹ lưỡng và khi có dấu hiệu xác nhận rõ ràng của thị trường, cơ hội sẽ đến. Với diễn biến hiện tại, điều đó có thể sớm diễn ra, nhưng kiên nhẫn chính là mấu chốt của thành công.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-hoi-cho-ben-mua-co-the-som-xuat-hien-post335111.html