Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào nông nghiệp tại Cuba

Cuba mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như sản xuất lúa gạo, cà phê; hợp tác đa dạng hóa máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu…

Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba.

Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba.

Hiện nay 100% hàng tiêu dùng Cuba là hàng nhập khẩu. Với 11 triệu dân, thị trường Cuba rất phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nhà máy sản xuất.

350 TRIỆU USD KIM NGẠCH SONG PHƯƠNG

Tại diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Cuba diễn ra ngày 12/5/2023, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1960, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Cuba đã trở thành tài sản quý báu vượt qua biến động, thăng trầm của lịch sử hơn 60 năm qua.

Đặc biệt, quan hệ hợp tác đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Cuba trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu. Cụ thể, về hợp tác thương mại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại châu Á lớn thứ 2 của Cuba. Trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 250-350 triệu USD.

Về hợp tác đầu tư, Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba với 5 dự án đã triển khai, bao gồm 2 dự án của Tổng Công ty Viglacera là nhà máy liên doanh SANVIG với tập đoàn Geicon Cuba về sản xuất vật liệu xây dựng và dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp tại đặc khu Mariel; và 3 dự án nhà máy sản xuất bỉm, tã lót; nhà máy sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa và nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty Thái Bình.

Tại Việt Nam, CuBa cũng đã triển khai dự án Công ty TNHH Labiofam Việt Nam chuyên sản xuất các chế phẩm sinh học.

Ông Maury Hechavarria Bermudez, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba: "Cuba cam kết luôn chào đón và đồng hành cùng nhà đầu tư bằng chế độ ưu đãi thuế đặc biệt" - Ảnh: IT.

Ông Maury Hechavarria Bermudez, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba: "Cuba cam kết luôn chào đón và đồng hành cùng nhà đầu tư bằng chế độ ưu đãi thuế đặc biệt" - Ảnh: IT.

Ông Maury Hechavarria Bermudez, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba, cho biết Việt Nam - Cuba đã thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trong đó, việc thúc đẩy dự án đầu tư mới vào Cuba ở các lĩnh vực như: sản xuất nông sản, thực phẩm, bao gồm sản xuất gạo, thịt, thức ăn gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu của Cuba và xuất khẩu sang các nước châu Mỹ khác.

Cuba mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như sản xuất lúa gạo, cà phê; hợp tác đa dạng hóa máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư tài chính, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển năng lượng mới…

“Cuba cam kết luôn chào đón và đồng hành cùng nhà đầu tư bằng chế độ ưu đãi thuế đặc biệt, cung ứng nguồn nhân lực, hạ tầng, công nghệ, thực hiện cơ chế một cửa cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Maury Hechavarria Bermudez nhấn mạnh.

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO CUBA

Tại diễn đàn, Bộ Nông nghiệp Cuba cũng đã giới thiệu 54 dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Các doanh nghiệp Cuba thông tin thêm: Các dự án nông nghiệp của Cuba, đặc biệt là dự án đầu tư sản xuất lúa gạo đang có quỹ đất lớn, cơ sở hạ tầng cơ bản, hệ thống nhà máy xay xát và kho lưu trữ có sức chứa lớn.

Doanh nghiệp Cuba kêu gọi nhà đầu tư có khả năng cung ứng nguyên liệu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc nông nghiệp để hợp tác sản xuất, nâng cao năng suất, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Hiện nay 100% hàng tiêu dùng Cuba là hàng nhập khẩu - Ảnh: IT.

Hiện nay 100% hàng tiêu dùng Cuba là hàng nhập khẩu - Ảnh: IT.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Thái Bình, hiện nay 100% hàng tiêu dùng Cuba là hàng nhập khẩu. Với 11 triệu dân, thị trường Cuba rất phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nhà máy sản xuất.

Đặc khu Mariel với cơ chế 01 cửa luôn đồng hành hổ trợ về thủ tục cho các nhà đầu tư tại Khu Mariel một cách rõ rang, nhanh chóng. Các doanh nghiệp Cuba luôn ưu tiên mua hàng hóa sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu, nên đầu tư nhà máy sản xuất tại Cuba là một lợi thế.

Ngoài ra, môi trường pháp lý an toàn. Ưu tiên thanh toán đúng hạn, thời gian thanh toán 45-60 ngày. Chính phủ Cuba cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư chuyển lợi nhuận về nước. Trình độ dân trí người lao động Cuba cao nên thuận lợi trong vấn đề điều hành quản trị.

Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn trong việc mua nguyên vật liệu của các tập đoàn lớn từ Mỹ do chính sách cấm vận kinh tế vẫn chưa được tháo gỡ. Khó thu hút lao động do nội tệ mất giá.

Chưa có Ngân hàng Việt Nam nào quan tâm đến việc cho vay đầu tư qua Cuba. Ngân hàng nhà nước chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp Việt Nam vay đầu tư ra nước ngoài cụ thể vào thị trường Cuba.

Do đó, ông Thuận kiến nghị, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cuba có những chương trình hội nghị song phương thảo luận chuyên đề “Hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam được vay vốn tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư tại Cuba”.

Chính Phủ hai bên thống nhất ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện cho vay có thế chấp tài sản hình thành trong tương lai tại Cuba. Chính phủ Cuba sớm xây dựng chính sách điều hành tỷ giá ổn định giúp cho các nhà đầu tư tại Mariel dễ dàng thu hút lao động như trước đây.

Mộc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-dau-tu-vao-nong-nghiep-tai-cuba.htm