Cơ hội cho ngành hàng cá tra

Giá cá tra trong nước lẫn xuất khẩu hiện đang ở mức cao. Những dự báo về thị trường tiêu thụ cá tra năm 2022 đều cho thấy hết sức lạc quan. Tuy nhiên, các ý kiến của Hiệp hội Cá tra lẫn ngành chức năng và các bên trong chuỗi giá trị cá tra đều hết sức thận trọng trước bài học kinh nghiệm 'cung vượt cầu' trong những năm trước đây nhằm đảm bảo cho ngành hàng này phát triển hiệu quả và bền vững.

Dự báo về thị trường cá tra năm 2022, bà Tô Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lạc quan cho rằng, 4 thị trường chính của cá tra Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, EU, các nước CPTPP (chiếm 73,6%) đều có sự phục hồi tốt từ năm 2021 và sẽ còn tốt hơn trong năm 2022. Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 sẽ tăng 20 - 22% và giá xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2021. Thực tế cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra đã đạt kim ngạch 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ. Giá cá tra trong nước theo đó cũng bật tăng lên mức 30.000 đồng/kg, rồi 35.000 đồng/kg và hiện tuy có chững lại nhưng vẫn giữ ở mức 32.000 - 33.000 đồng/kg.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, chế biến xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ thị trường. Ảnh: TÍCH CHU

Các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, chế biến xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ thị trường. Ảnh: TÍCH CHU

Là một doanh nhân gắn bó với nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra nhiều năm, ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) cũng nhận định rằng, xuất khẩu cá tra sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong năm 2022 và theo ông đây cũng là cơ hội tốt để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất ngành hàng cá tra.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, một nông dân nuôi cá tra lâu năm ở quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) cũng cho rằng, giá cá tra hiện đang khá tốt, người nuôi rất vui vì với mức giá như hiện nay, mỗi héc ta người nuôi có lãi khoảng 1 - 1,25 tỉ đồng. Tại Sóc Trăng, tuy diện tích nuôi cá tra những năm qua chỉ còn vài chục héc ta nhưng dẫu sao đây vẫn là tin vui đối với ngành thủy sản nói chung và người nuôi cá tra nói riêng.

Bên cạnh sự phục hồi của thị trường tiêu thụ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, một trong những nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng được cho là do tổng sản lượng khai thác cá minh thái Alaska trên toàn cầu trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm từ mức 3,49 triệu tấn vào năm 2021 xuống còn 3,22 triệu tấn. Cùng với đó, lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và các nước châu Âu cũng khiến nguồn cung cá minh thái thiếu hụt do Nga là 1 trong 2 quốc gia cung cấp sản lượng cá minh thái lớn nhất thế giới nên giá cá minh thái được dự báo sẽ tăng so với năm 2021. Điều này cộng với các chi phí nuôi, vật tư, lao động, logistics… đều tăng nên giá cá tra xuất khẩu được dự báo sẽ tăng và sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ có chỗ đứng tốt hơn trên thị trường thế giới.

Năm nay, người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long có thể nở nụ cười tươi vì giá cá tăng khá cao. Ảnh: TÍCH CHU

Tuy các dự báo về sản lượng tiêu thụ cũng như giá cá tra trong năm 2022 đều sẽ tăng cao so với năm 2021, nhưng cả VASEP, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, doanh nghiệp lẫn ngành chức năng đều hết sức thận trọng trước những khó khăn, thách thức trước mắt lẫn lâu dài của ngành hàng cá tra. Bà Tô Tường Lan khuyến cáo, do giá nguyên liệu tăng cao, nên doanh nghiệp và thị trường nhiều khả năng sẽ có sự điều tiết về giá xuất khẩu và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cả doanh nghiệp lẫn người nuôi cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề cân đối cung cầu nhằm tránh tình trạng phát triển nóng để tăng độ an toàn, đảm bảo giá trị và lợi nhuận.

Bên cạnh những dự báo khó khăn về thời tiết, môi trường, thị trường, rào cản thương mại cũng được ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nhắc đến như là một trong những thách thức lớn đối với ngành hàng cá tra. Theo ông Cẩn, ngoài việc nối lại các hoạt động thanh, kiểm tra trực tiếp của Cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đối với toàn chuỗi cá tra, thì lệnh 248, 249 do Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 có thể sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành hàng cá tra.

Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cảnh báo các doanh nghiệp xung quanh các chỉ tiêu liên quan đến Covid-19 khi xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi 30 lô cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bị vướng các chỉ tiêu này. Cũng liên quan đến dịch Covid-19, theo ông Trần Văn Hùng, tuy dịch bệnh Covid-19 đã giảm căng thẳng nhưng vẫn còn là thách thức cho chuỗi cung ứng cá tra, nhất là về chi phí.

Trước những thuận lợi, thách thức trên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành cá tra cần tận dụng tối đa lợi thế hiệp định thương mại tự do và nhất là kiểm soát tốt cung - cầu để tránh trường hợp khủng hoảng như trước đây do phát triển tự do, nhằm đạt mục tiêu sản xuất 1,6 - 1,7 triệu tấn và xuất khẩu đạt trên 1,6 tỉ USD. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất. Các địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch diện tích nuôi; kiểm soát toàn diện các yếu tố đầu vào; nâng cao sức cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng giống, thức ăn, dinh dưỡng và triển khai tốt Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị cần quan tâm xây dựng các vùng nuôi, liên kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm, theo dõi sát diễn biến thị trường để nắm bắt thời cơ kịp thời. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý doanh nghiệp cần quan tâm tập trung cho sản phẩm chế biến sâu, nhằm tăng giá trị gia tăng của ngành hàng cá tra.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/co-hoi-cho-nganh-hang-ca-tra-56267.html