Cơ hội cho ngành yến Đắk Lắk vươn xa

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn về thị trường cho các địa phương nuôi chim yến. Tại Đắk Lắk, trong suốt 1 năm qua, các chủ nhà yến và DN sản xuất, kinh doanh yến đã chuẩn bị sẵn sàng cho những lô hàng thông quan chính ngạch khi Việt Nam hoàn tất hồ sơ theo yêu cầu.

Là một trong những người tiên phong trong nuôi yến ở Đắk Lắk, ông Bùi Văn Thức, thị trấn Phước An, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk vui mừng trước thông tin Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực. Theo ông, mặc dù thị trường nội địa khá ổn định, nhưng việc tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn về thị trường quốc tế, giá cả sẽ “nhỉnh” hơn, cho lợi nhuận cao hơn.

“Đắk Lắk là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, phù hợp để phát triển vùng nuôi yến, chất lượng sản phẩm tổ yến cao. Trong 10 năm trở lại đây, nuôi yến đã trở thành một nghề, nhiều người có thu nhập cao từ nuôi yến, nên nếu đủ điều kiện xuất khẩu thì chắc giá bán sẽ cao hơn, thu nhập sẽ tốt hơn nữa”, ông Bùi Văn Thức phấn khởi.

Đắk Lắk có tiềm năng lớn trong xuất khẩu sản phẩm tổ yến

Đắk Lắk có tiềm năng lớn trong xuất khẩu sản phẩm tổ yến

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu yến ở Đắk Lắk cũng đã hoàn thiện các điều kiện theo yêu cầu nước nhập khẩu để đón đầu cơ hội. Bà Phạm Thị Phương Dung, chủ một doanh nghiệp ở huyện Krông Pắk, cho biết, khi có thông tin tổ yến Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, công ty đã bắt tay ngay vào xây dựng hồ sơ sản phẩm, mở rộng qui mô nhà xưởng, kho bãi, liên kết với các nhà yến trên địa bàn nhằm chuẩn bị nguồn cung cho thị trường. Đến nay, yến sào Thành Dung là một trong 4 doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi đã hoàn tất tất cả các thủ tục xuất lô yến đầu tiên sang Trung Quốc. Về lâu dài, chúng tôi muốn tất cả các doanh nghiệp đã được xuất khẩu kết hợp lại với nhau tạo dựng thương hiệu yến sào Việt Nam, cùng nhau hướng tới tương lai làm cho sản phẩm yến của Việt Nam được tốt hơn”, bà Phạm Thị Phương Dung chia sẻ.

Sơ chế tổ yến tại một cơ sở ở Đắk Lắk

Sơ chế tổ yến tại một cơ sở ở Đắk Lắk

Theo ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội yến sào Đắk Lắk, tiềm năng phát triển nghề nuôi yến ở địa phương là rất lớn. Chất lượng tổ yến của Đắk Lắk được đánh giá tốt chỉ sau yến đảo. Để đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu, Hội yến sào Đắk Lắk sẽ tiếp tục hỗ trợ các thành viên cũng như các chủ cơ sở nâng cao kiến thức, đầu tư áp dụng khoa học công nghệ để đem lại chất lượng yến tốt nhất. Cùng với đó, hội sẽ hỗ trợ kết nối cơ sở nuôi yến với doanh nghiệp để cùng tham gia vào các chuỗi liên kết giúp gia tăng giá trị sản phẩm.

“Hội khuyến khích bà con nên phát triển theo hướng bền vững. Sắp tới, hội sẽ tổ chức một hội thảo liên kết các chuỗi cung ứng, mời các doanh nghiệp xuất khẩu họ sẽ tư vấn cho bà con quy trình sản xuất vận hành nhà yến, cũng như luật khi đi theo chuỗi. Quản lý được nguồn cung thì chất lượng đầu vào đầu ra được kiểm soát đảm bảo chất lượng tổ yến”, ông Phạm Văn Hậu cho biết.

Sản phẩm tổ yến của Đắk Lắk bày bán tại một cửa hàng ở huyện Krông Pắk.

Sản phẩm tổ yến của Đắk Lắk bày bán tại một cửa hàng ở huyện Krông Pắk.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 1.000 hộ nuôi chim yến, với khoảng 1.300 nhà yến tập trung nhiều ở TP.Buôn Ma Thuột và các huyện Ea Kar, Ea Súp, Krông Pắk... Đắk Lắk là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên và trong top 10 tỉnh thành có số lượng nhà yến lớn nhất cả nước. Sản lượng tổ yến của tỉnh ước đạt 10 - 12 tấn/năm, chiếm khoảng 6,6% sản lượng của cả nước. Đến thời điểm này, Đắk Lắk đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, chờ cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá để đưa sản phẩm yến sào Đắk Lắk bước vào thị trường tỷ dân bằng con đường chính ngạch.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/co-hoi-cho-nganh-yen-dak-lak-vuon-xa-post1062867.vov