Cơ hội cho nhà cung ứng và đơn vị thu mua hợp tác tiêu thụ sản phẩm
Sở Công Thương Tp HCM cho biết, đa dạng hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa không nằm ngoài mục tiêu tạo điều kiện cho nhà cung ứng và đơn vị thu mua, phân phối gặp gỡ, trao đổi để tìm đối tác.
Tại Hội nghị nhà cung ứng và đơn vị phân phối được tổ chức ngày 27/9, tại Tp. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, đa dạng hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa không nằm ngoài mục tiêu tạo điều kiện cho nhà cung ứng và đơn vị thu mua, phân phối gặp gỡ, trao đổi để tìm đối tác.
Đồng thời, sở, ngành làm đầu mối tạo điều kiện cho nhà cung ứng trưng bày hàng hóa, giới thiệu sản phẩm, chứ không chỉ bán hàng.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, muốn có hiệu quả cao trong hoạt động kết nối cung cầu, cả nhà cung ứng và đơn vị phân phối cần chú trọng phát triển những mặt hàng nông sản đang sản xuất đạt số lượng nhiều, đại trà và là thế mạnh của Việt Nam. Bởi, khi sản phẩm đảm bảo chất lượng, đạt số lượng cung ứng thì hoàn toàn không khó trong việc tìm đầu ra, hoặc vào hệ thống phân phối của nhiều nhà bán lẻ. Hơn nữa, các đơn vị sản xuất cần phải năng động hơn nữa trong tiếp thị, quảng bá sản phẩm để tìm kiếm đối tác và người thu mua.
Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, đơn vị này luôn tập trung hỗ trợ phân phối hàng Việt, với tỷ lệ chiếm hơn 80% hàng hóa đang kinh doanh trong hệ thống.
Hiện nay, Saigon Co.op cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giúp đơn vị sản xuất hàng Việt phát triển và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Trong đó, đơn vị sản xuất có thể nghiên cứu và lựa chọn đưa hàng hóa vào những thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op như: Co.op Smile, Cheer, Co.op mart, Co.opXtra… hay mô hình cao cấp Co.op File.
Tùy vào đặc thù sản phẩm của địa phương mà đơn vị sản xuất có thể ưu tiên mô hình bán lẻ phù hợp và phân khúc khách hàng cạnh tranh nhất.
Theo bà Phan Hải Hòa, Giám đốc hệ thống siêu thị Big C miền Nam, nếu trước đây đơn vị này chủ yếu tập trung ở Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay đã phân ra nhiều khu vực vùng miền.
Do đó, mỗi vùng miền có những chính sách riêng để hỗ trợ nhà cung cấp, đồng hành tốt hơn trong chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) gắn kết với hợp tác xã nông nghiệp, thực hiện chương trình sinh kế cộng đồng…
Đánh giá cao sự hỗ trợ của các nhà bán lẻ, nhưng một số nhà cung cấp vẫn cho rằng, việc chào hàng vào kênh phân phối hiện đại, nhất là siêu thị vẫn còn khá nhiều rào cản.
Cụ thể, sản phẩm ngũ cốc đã qua phòng QR thử nghiệm và đạt chất lượng, nhưng gửi hợp đồng vẫn không được hồi âm. Trong khi đó, để đưa hàng vào siêu thị, đơn vị sản xuất phải đầu tư hoàn chỉnh quy trình sản xuất và thực hiện những chứng nhận kiểm định sản phẩm.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp đặt ra vấn đề, làm sao để kết nối cung cầu hàng hóa ngày càng bền vững và hiệu quả, đòi hỏi nhiều đơn vị tham gia xây dựng chuỗi cung ứng.
Trong đó, nhà bán lẻ cần phát huy vai trò phát tín hiệu thị trường cho đơn vị sản xuất và dẫn dắt thị trường.
Bên cạnh đó, nhà bán lẻ cải thiện quy trình thu mua, tháo gỡ tình trạng “xin – cho”, lợi ích nhóm, cạnh tranh không minh bạch…
Đặc biệt, các nhà bán lẻ cần ngồi lại với nhà cung cấp, đơn vị sản xuất để trao đổi và đưa ra những chính sách hợp lý để cùng đồng hành bền vững trên cơ sở đảm bảo lợi ích các bên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước./.