Cơ hội cho nông nghiệp

Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra và một số mặt hàng trái cây, nhưng là cơ hội cho các mặt hàng nông nghiệp khác, như: lúa, heo, gia cầm… Nếu tổ chức sản xuất tốt, nông nghiệp sẽ có cơ hội tăng tốc sau khi dịch bệnh được không chế.

Vụ lúa đông xuân năm nay “trúng mùa, trúng giá”

Những tín hiệu lạc quan

Nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa, vụ đông xuân 2019-2020 này là một trong những lần hiếm hoi ông Lương Văn Bảy (xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn, An Giang) hưởng trọn niềm vui “trúng mùa, trúng giá”.

“Vụ đông xuân năm nay thời tiết thuận lợi, lúa đạt gần 1 tấn/công tầm cắt (khoảng 1.300m2, tương đương 7,5 tấn/ha). Tôi canh tác giống Đài Thơm 8, bán 6.000 đồng/kg. Tính ra vụ này, nếu ai không thuê đất, coi như đầu tư 1 lời 1” - ông Bảy thông tin.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh kết thúc xuống giống được 229.392ha lúa, giảm 4.281ha so vụ đông xuân 2018-2019.

Ngoại trừ huyện Tri Tôn có diện tích tăng 348ha, các huyện, thị xã, thành phố còn lại đều có diện tích xuống giống lúa giảm. Nguyên nhân do thực hiện chuyển dịch sang trồng hoa màu, cây ăn trái, không xuống giống để sản xuất vụ hè thu sớm (lơi vụ) và nuôi thủy sản.

Tuy nhiên, nhờ năng suất tăng, sản lượng dự kiến đạt hơn 1,7 triệu tấn, tăng 23.800 tấn so cùng kỳ. Việc lúa “trúng mùa, trúng giá” góp phần kéo tăng trưởng nông nghiệp tăng khá. Trong khi tăng trưởng quý I-2020 của tỉnh thấp hơn mức tăng cùng kỳ (4,75% so 6,1%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao hơn mức tăng cùng kỳ (3,82% so 3,01%).

Sau khi công bố hết bệnh dịch tả heo Châu Phi, ngành thú y hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Ước tính, đàn heo hiện có khoảng 70.200 con, bằng 64,88% so cùng kỳ nhưng đang có khuynh hướng hồi phục. Do nhu cầu tiêu dùng cao nhưng nguồn cung hạn chế nên thị trường heo hơi trong quý I giữ giá ở mức cao (từ 7,8 - 8 triệu đồng/tạ).

Đối với đàn bò, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá bò hơi ổn định ở mức cao, người chăn nuôi có lợi nhuận khá nên quy mô đàn bò dần khôi phục. Ước tính đàn bò có khoảng 66.700 con, bằng 94,18% so cùng kỳ.

Trong khi đó, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên quy mô đàn gia cầm tiếp tục phát triển tốt, hiện có khoảng 4,6 triệu con, bằng 101,2% so cùng kỳ (trong đó, đàn gà 1,3 triệu con, vịt 3,3 triệu con).

Cơ hội phục hồi

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu gặp khó khiến giá cá tra, cây ăn trái giảm, đặc biệt là xoài. Đối với cá tra, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, bảo quản sản phẩm đông lạnh, chờ cơ hội dịch bệnh Covid-19 lắng dịu, nhu cầu thực phẩm của thế giới tăng cao để xuất khẩu hàng hóa.

Đối với xoài, dù giá có giảm, việc mua bán diễn ra chậm nhưng hầu hết xoài đến thời điểm thu hoạch vẫn có thương lái và các chủ vựa thu mua, tiêu thụ các kênh nội địa hoặc chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng.

Dự báo thời gian tới, khi Trung Quốc và Việt Nam khống chế được dịch bệnh Covid-19, hoạt động xuất, nhập khẩu nối lại, các loại cây ăn trái sẽ có thêm kênh tiêu thụ.

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 15.882ha sản xuất cây ăn trái, trong đó diện tích xoài là 10.787ha, chuối 1.537ha, nhãn 294ha, cây có múi 1.376ha, mít 477,1ha, còn lại là sầu riêng, bơ, thanh long… Đây là những loại trái cây được ưa chuộng trong nước cũng như có thị trường xuất khẩu.

Nhằm đón đầu nhu cầu lương thực trong nước và thế giới tăng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, An Giang đã lên kế hoạch xuống giống vụ lúa hè thu 2020 với diện tích 234.964ha.

Sở NN&PTNT đã khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống né rầy, né hạn, mặn để các địa phương thực hiện. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang rau, màu và cây ăn trái. Trong đó, vụ đông xuân 2019-2020 đã chuyển đổi được 2.339,68ha, đạt 38,7% diện tích chuyển đổi của cả năm 2020 theo Kế hoạch số 3410/KH-UBND của UBND tỉnh (dự kiến 9.060ha).

Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn, mặn, các địa phương đã xây dựng kế hoạch ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Sở NN&PTNT thường xuyên cử các đoàn công tác, phối hợp các địa phương kiểm tra những công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt ở các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để có giải pháp khắc phục. Kết quả quan trắc nguồn nước, độ mặn và tình hình khí tượng, thủy văn được thông tin, tuyên truyền kịp thời để người dân chủ động nắm bắt.

Đối với 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của hạn kiệt, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện đầu tư phát triển hệ thống trạm bơm điện vùng cao, hệ thống thủy lợi sau hồ phục vụ diện tích 4.344ha.

Có thể nói, trong bối cảnh hạn, mặn diễn biến phức tạp tại các tỉnh khu vực ĐBSCL thì một tỉnh đầu nguồn như An Giang có cơ hội đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để cung ứng trong nước và xuất khẩu. Trong khi rất nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 thì nông nghiệp vẫn có cơ hội, điểm sáng để khai thác tiềm năng, thế mạnh.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/co-hoi-cho-nong-nghiep-a268233.html