Cơ hội cho phụ nữ phát triển kinh tế
Sau 5 năm thực hiện dự án 'Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ/Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp tại Việt Nam' (FLOW/EOWE) đã góp phần tạo sự bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ cũng như phát triển kinh tế nông nghiệp ở nông thôn trong tỉnh.
Cơ hội cho phụ nữ phát triển kin
Từ khi thực hiện dự án, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp và lồng ghép các nhận thức về bình đẳng giới đã vượt các chỉ tiêu đề ra. Các đơn vị đã lập và xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế của từng ngành hàng tham gia dự án như lúa, gạo, thanh long, điều và hoạt động giới.
Nổi bật như các HTX sản xuất lúa ở huyện Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Tánh Linh đã áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) vào năm 2016. Đến nay đã nhân rộng đến các huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh là Đức Linh, Bắc Bình với tổng diện tích toàn tỉnh gần 1.000 ha lúa. Hay như hoạt động tái cấp chứng nhận GlobalGAP cho HTX thanh long Thuận Tiến đã giúp HTX duy trì xuất khẩu thanh long sang các thị trường châu Âu với giá cao, ổn định. Hỗ trợ HTX thanh long Hàm Đức, HTX thanh long Hàm Minh 30 về thiết bị, công nghệ chế biến rượu vang thanh long, thanh long sấy khô đã góp phần giảm áp lực tiêu thụ trái thanh long tươi, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thanh long trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, thông qua hoạt động họp nhóm hộ gia đình nòng cốt, nhóm sinh hoạt kỹ thuật, các hội nghị truyền thông... đã giúp các gia đình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, chia sẻ việc nhà giữa vợ - chồng giảm gánh nặng cho phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia vào lĩnh vực kinh tế, các hoạt động xã hội và tiếp cận các cơ hội khác để nâng cao vai trò và vị trí của phụ nữ. Đã có 1.099 phụ nữ/2.380 người tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất và 970 phụ nữ/1.028 người tham gia các lớp tập huấn kỹ năng quản lý, điều hành.
Tại hội nghị tổng kết dự án FLOW/EOWE, giai đoạn 2016 – 2020, tiến sĩ Trần Tú Anh – Giám đốc chương trình Nông nghiệp thông minh và giới - Tổ chức SNV Việt Nam cho biết, Bình Thuận là một tỉnh có nhiều lợi thế về tự nhiên cũng như sức sáng tạo và kiên cường của người dân nên đã có nhiều bước phát triển mạnh về kinh tế. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, vị thế của người phụ nữ cũng như những khoảng trống về các vấn đề xã hội vẫn còn là thách thức. Sau 5 năm thực hiện, dự án đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh ứng phó với khí hậu, liên kết thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp chủ đạo. Đồng thời, nâng cao vai trò của phụ nữ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nữ vững vàng và tăng lợi nhuận; nâng cao mức thu nhập của nữ giới cũng góp phần tạo sự bình đẳng giới, nữ giới ngày càng có quyền và nghĩa vụ nhiều hơn trong gia đình và xã hội.
Tính đến năm 2020, dự án “Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ/Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp tại Việt Nam” (FLOW/EOWE) đã được triển khai 5 năm tại Bình Thuận. Với mục tiêu nâng cao bình đẳng giới ở cấp hộ gia đình và cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế. Dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan (viết tắt là SNV) thực hiện tại 2 quốc gia là Kenya và Việt Nam. Tại Việt Nam, dự án được triển khai tại 4 tỉnh: Quảng Bình, Bình Định, Bình Thuận và Ninh Thuận.
Ngọc Hân