Cơ hội cho thị trường công nghệ giáo dục
Từ khóa edtech (educational technology - công nghệ giáo dục) đang được chú ý nhiều hơn kể từ sau đêm chung kết Miss International 2024. Với câu trả lời đầy thuyết phục về edtech và tầm quan trọng của giáo dục công nghệ trong thời đại số hóa, người đẹp Việt Nam Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị hoa hậu của cuộc thi.
Cũng như cả nước, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, việc ứng dụng edtech tại Đồng Nai rất sôi động. Đồng Nai cũng là thị trường rộng lớn của các công ty công nghệ giáo dục vì có lượng người học, trường học lớn.
Ứng dụng công nghệ giáo dục ở tất cả các bậc học
Edtech là sự kết hợp giữa giáo dục và công nghệ nhằm cải thiện và tối ưu hóa quá trình dạy và học. Các công cụ, phần mềm, nền tảng trực tuyến do edtech cung cấp giúp việc học tập và giảng dạy trở nên linh hoạt, tiện lợi, phù hợp trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghệ.
Điều này có thể nhận thấy rõ nét khi đại dịch Covid-19 xảy ra, việc dạy và học online trở thành bắt buộc đối với tất cả các bậc học, nhất là trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Tùy theo cấp học, trình độ ứng dụng công nghệ, trình độ tiếp cận của người học mà giáo viên có những cách ứng dụng công nghệ giáo dục khác nhau. Theo đó, giáo viên ứng dụng các phần mềm kết nối trực tuyến như: Zoom, Google Meet, Microsoft Teams, Flipgrid, Skype… để học sinh học trực tuyến. Song song đó, hàng loạt ứng dụng, công cụ hỗ trợ dạy học được sử dụng như: Kahoot, Socrative, Padlet, Poll everywhere, công cụ quản lý học tập Moodle, Thinglink, EdPuzzle, Squigl...
Ở các trường cao đẳng, đại học, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong dạy học đã được nhiều trường thực hiện, đem lại hiệu quả thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo thống kê được công bố trong Sách trắng edtech 2024, Việt Nam hiện có trên 750 công ty edtech đang hoạt động, trong đó có khoảng 300 công ty công nghệ, 450 công ty hoạt động trong môi trường số nhưng chưa có hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm/dịch vụ.
Chẳng hạn, hiện Trường đại học Công nghệ Miền Đông (MIT University) đã đưa vào sử dụng hệ thống giảng dạy và học tập trực tuyến (e-learning) giúp người học có thể tham gia học tập bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu. Trường tập trung đầu tư và hướng tới trang bị hệ thống thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) tạo môi trường học tập sinh động, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức theo cách trực quan và thực tế hơn.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm học này, nhà trường tập trung đầu tư chuyển đổi số ở mức cao hơn, đó là tích hợp AI vào trong toàn bộ hệ thống quản lý và đào tạo để giúp tự động hóa quá trình đánh giá, phân tích kết quả học tập cho người học, dự đoán hiệu suất học tập của người học và cá nhân hóa chương trình, nội dung đào tạo cho người học. Thông qua việc sử dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn (big data) cho hệ thống người học, trường đưa ra các quyết định quản lý, thiết kế khóa học và cải thiện quy trình giảng dạy.
Tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, nhà trường đã ứng dụng thiết bị công nghệ dạy hàn ảo dành cho sinh viên ngành hàn. Đây là hệ thống trợ huấn kỹ thuật hàn được lập trình và mô phỏng trên màn hình, giúp cho giáo viên và học viên dễ dàng thao tác thực hành mà không phải tiếp xúc với âm thanh, môi trường độc hại xung quanh.
Từ nhiều năm nay, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai đã đầu tư Trung tâm Thực hành công nghệ (Innovation Lab) với khu công nghệ in 3D và khu công nghệ thực tế ảo, giúp sinh viên không chỉ làm quen lý thuyết, mà còn cả thực hành các module của nhiều ngành học như: công nghệ tự động, công nghệ ô tô, điện - điện tử… trên không gian ảo.
Thị trường rộng lớn của công nghệ giáo dục
Từ năm 2021, EdTech Agency tổ chức sự kiện công bố Sách trắng và Bảng xếp hạng các sản phẩm công nghệ giáo giục (edtech) Việt Nam. Hoạt động này cho thấy cái nhìn bao quát về edtech tại Việt Nam.
Sách trắng edtech 2024 được công bố hồi tháng 8-2024 cho biết, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng edtech nhanh nhất thế giới và tốp 3 quốc gia edtech tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Việt Nam), chiếm 20% tổng số edtech toàn khu vực, trong đó phải kể đến các tên tuổi lớn như: Codegym, Azota, Teky, Clevai, Prep…
Với hơn 29 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1,6 triệu giáo viên tại 53 ngàn trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, 400 trường đại học, thị trường edtech Việt Nam được đánh giá vừa rộng lớn, vừa ổn định.
Hiện Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành có quy mô ngành giáo dục lớn thuộc tốp đầu cả nước với trên 920 trường, từ mầm non đến phổ thông. Trong số đó, có 376 trường mầm non, 288 trường tiểu học, 181 trường trung học cơ sở và 77 trường trung học phổ thông. Chỉ tính riêng giáo viên và học sinh ở bậc học mầm non và phổ thông đã lên đến trên 33 ngàn giáo viên và trên 73 ngàn học sinh.
Đồng Nai cũng là địa phương phát triển mạnh hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, đứng thứ 2 ở vùng Đông Nam Bộ (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh). Trong đó có 5 trường đại học, 1 phân hiệu trường đại học, 9 trường cao đẳng. Bên cạnh đó, còn có 1 trường đại học thuộc Bộ Quốc phòng, 1 trường cao đẳng của Bộ Công an đứng chân trên địa bàn.
Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3-7-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, đối với lĩnh vực giáo dục sẽ phát triển mạng lưới trường, lớp các cấp theo hướng hiện đại, giáo dục số, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản cho mọi đối tượng. Do vậy, có thể thấy Đồng Nai là thị trường tiềm năng cho edtech, đặc biệt là các doanh nghiệp start-up.