Cơ hội cho tơ lụa, dâu tằm Việt Nam
Nhìn ở khía cạnh khác, vụ việc Khaisilk buôn lụa Trung Quốc giả mác Việt có thể biến thành cơ hội vàng để ngành trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của Việt Nam, làm ra những sản phẩm hoàn toàn là 'made in Vietnam'.
Câu chuyện Khaisilk nhập lụa tơ tằm Trung Quốc về “hô biến” thành hàng “made in Vietnam” để bán giá đắt gấp 5 - 10 lần cũng đặt ra câu hỏi vì sao thương nhân Việt Nam phải sử dụng “tiểu xảo” này? Và ngành ươm tơ dệt lụa ở Việt Nam hiện nay đang phát triển như thế nào…
Có một nghịch lý là trong khi nhiều thương nhân của Việt Nam đang âm thầm sang Trung Quốc nhập lụa về bóc mác “made in China” để gắn mác Việt thì đang có rất nhiều khách du lịch và thương nhân Trung Quốc lại sang Việt Nam để săn lùng các loại lụa và tơ tằm do Việt Nam sản xuất để đem về bán hoặc làm quà tặng. Lý do là vì lụa tơ tằm của Trung Quốc mặc rất nóng, còn lụa Việt Nam - như lụa Vạn Phúc chính hiệu chẳng hạn, mặc rất mát. Tuy nhiên, không chỉ Khaisilk mà tại các làng nghề dệt lụa, thậm chí ở nhiều khu vực bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài, cũng đang bán lụa Trung Quốc. Lý do mà ai cũng hiểu là hàng nhập từ Trung Quốc rất nhiều mẫu mã chủng loại, và quan trọng hơn là giá thành rất rẻ. Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Phó chủ tịch Hiệp hội làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội) thì chi phí dệt 1m lụa Vạn Phúc lên tới 400.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy loại, nhưng lụa Trung Quốc chỉ chừng 100.000 đồng/m.
Qua trao đổi, các nghệ nhân ở những làng nghề ươm tơ dệt lụa cho biết có nhiều nguyên nhân khiến tơ và lụa truyền thống không cạnh tranh lại tơ lụa Trung Quốc, là do kỹ thuật dệt, công nghệ, quy mô đầu tư, trình độ thợ… Nhưng theo nghệ nhân Phạm Khắc Hà, hiện là Chủ tịch Hiệp hội làng lụa Vạn Phúc, lý do chính là Việt Nam không chủ động được nguồn tơ tốt để sản xuất, còn các làng nghề thì không biết quảng bá tốt thương hiệu của mình.
Từ năm 2000 đến nay, các vùng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ nổi tiếng ở Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh… đều lần lượt bị xóa sổ. “Ngay người làng lụa Vạn Phúc chúng tôi cũng phải nhập tơ tận Bảo Lộc - Lâm Đồng. Quanh vùng không có cơ sở ươm tơ nào nữa, chỉ còn một trung tâm dâu tằm nằm ở Mai Lĩnh - Chương Mỹ cách làng 4 - 5km nhưng cũng chỉ còn chức năng nghiên cứu”, nghệ nhân Phạm Khắc Hà chia sẻ.
Nhìn ở khía cạnh khác, vụ việc Khaisilk buôn lụa Trung Quốc giả mác Việt có thể biến thành cơ hội vàng để ngành trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của Việt Nam, làm ra những sản phẩm hoàn toàn là “made in Vietnam”. Theo ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, hiện nay nguồn tơ tốt để phục vụ cho sản xuất, dệt lụa nội địa không thiếu. Hiện nay cả nước đang có khoảng 10.000ha dâu. Mặc dù có tới 50% diện tích tập trung ở tỉnh Lâm Đồng, nhưng sản lượng tơ tại Lâm Đồng lại chiếm đến 70% trên cả nước. Còn ở miền Bắc, do khí hậu nên tơ cho chất lượng thấp. Ông Thọ cho rằng, đến thời điểm này, ngành ươm tơ ở Việt Nam đang phục hồi trở lại. Cả nước đã có 40 cơ sở máy ươm tơ tự động hoạt động. Riêng tại Lâm Đồng, hiện có khoảng 15 doanh nghiệp ươm tơ tự động, có thể sản xuất trên 2 tấn tơ/ngày. Bên cạnh đó còn có trên 20 cơ sở ươm tơ cơ khí, mỗi ngày sản xuất gần 1 tấn tơ. Hầu hết tơ sản xuất xong đều được đóng gói xuất khẩu ra nước ngoài. Tơ chất lượng loại 1 được xuất sang Ấn Độ, Pakistan. Tơ loại 2 xuất sang Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc.
Thị hiếu mua sắm và tinh thần ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng cao chính là cơ hội để phục hồi lại nghề tằm tơ. Tuy nhiên, thêm một bài toán đặt ra là nếu ngay từ bây giờ chúng ta không quy hoạch trước cho ngành dâu tằm tơ thì 10-15 năm nữa sẽ lại không có nguyên liệu tơ để sản xuất. Sở NN-PTNT các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lâm Đồng, Nam Định… cho biết đang có kế hoạch tái lập lại nghề trồng dâu nuôi tằm, tuy nhiên hiện nay Nhà nước cần đầu tư cho khâu chủ động cung ứng giống tốt, cho năng suất kén và tơ chất lượng cao, bởi có tới 90% giống tằm đang chăn hiện nay phải nhập từ Trung Quốc
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/co-hoi-cho-to-lua-dau-tam-viet-nam-478595.html