Có hội chứng thích ăn tóc
Mặc dù cơ thể người không có khả năng tiêu hóa tóc, nhưng một số người vẫn ăn tóc một cách không kiểm soát trong nhiều năm, đã tạo thành chứng 'nghiện' ăn tóc, gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng.
Có hội chứng thích ăn tóc
Hồi tháng 5/2020, nhiều người xôn xao và thấy lạ kỳ khi nghe thông tin Bệnh viện đa khoa An Phước đã mổ cho bé L.H.B.H (5 tuổi, xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam) để lấy búi tóc từ dạ dày của bé, nặng 600g. Mới đây, vào đầu tháng 7/2020, bệnh viện này tiếp nhận mổ trường hợp thứ 2 - bé gái N.T.C.L. (10 tuổi, xã Thiện Nghiệp, Phan Thiết), với búi tóc nặng 400g. Búi tóc bao quanh dạ dày, kéo dài đến ruột non. Như vậy, chỉ trong 2 tháng, bệnh viện này mổ lấy 2 búi tóc nặng 1 kg từ dạ dày của 2 bệnh nhi.
Đặc điểm chung là 2 bé tự ăn tóc của mình, nhưng người nhà không để ý. Sau nhiều năm ăn tóc, tóc không thể tiêu hóa được, kết thành búi kẹt trong dạ dày vào tận ruột non. Điều này làm nghẽn đường tiêu hóa, thức ăn bị chặn lại khi bé ăn vào, đồng thời gây đau bụng. 2 bé đều ngừng ăn tóc gần 1 năm trước thời gian phẫu thuật.
Theo tài liệu, mặc dù cơ thể người không có khả năng tiêu hóa tóc, nhưng ăn tóc không kiểm soát, lâu dần thành nghiện. Đây là hội chứng thích ăn tóc (hội chứng Rapunzel), tình trạng rất hiếm. Một số trường hợp đặc biệt, lượng tóc ăn vào quá nhiều dẫn tới búi tóc kết thành khối, kẹt trong dạ dày vào tận ruột non, có liên quan tới chứng bứt tóc. 85-95% thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, viêm dạ dày, giảm cân nhanh, táo bón, tiêu chảy. Một số bị thủng ruột dẫn đến nhiễm trùng máu và tử vong do tóc không thể phân hủy sinh học.
Khoảng 50% cha mẹ không hề biết con mình có thói quen ăn tóc. Không riêng gì 2 trường hợp trên tại Bình Thuận, một số ít tỉnh khác cũng có trường hợp tương tự. Chẳng hạn, một bé gái 9 tuổi ở Thái Bình, một bệnh nhi 6 tuổi ở Đồng Nai có búi tóc to trong dạ dày và ruột. Các trường hợp này đều được bác sĩ phẫu thuật lấy búi tóc.
Để sớm phát hiện con trẻ có biểu hiện ăn tóc kỳ lạ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, người thân quan tâm trẻ nhiều hơn. Từ đó mới có cách uốn nắn phù hợp, giúp trẻ dần dần thay đổi thói quen ăn tóc.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/ban-doc/co-hoi-chung-thich-an-toc-129202.html