Cơ hội chuyển đổi

Thế giới đang chứng kiến đại dịch Covid-19 đe dọa người dân ở cả các nước phát triển và các nước nghèo. Ủy ban đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (IPBES) vừa cảnh báo nguy cơ các đại dịch sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai, với mức độ nguy hiểm cao hơn so với đại dịch hiện nay.

Thế giới đang chứng kiến đại dịch Covid-19 đe dọa người dân ở cả các nước phát triển và các nước nghèo. Ủy ban đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (IPBES) vừa cảnh báo nguy cơ các đại dịch sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai, với mức độ nguy hiểm cao hơn so với đại dịch hiện nay.

Theo đó, phát triển xanh hơn, bền vững hơn đang trở thành yêu cầu cấp thiết với mọi quốc gia và dịch Covid-19 cũng là cơ hội để chuyển đổi cách thức phát triển.

Trong bản báo cáo đặc biệt về đa dạng sinh học và các đại dịch công bố cuối tuần qua, IPBES vừa cảnh báo rằng, dịch Covid-19 cũng như các đại dịch khác không phải "từ trên trời rơi xuống" mà luôn là nguy cơ hiện hữu với loài người. Bởi vì trên thực tế có tới 850.000 loại vi-rút đang ký sinh trong các động vật và có thể lây sang con người bất kỳ lúc nào. IPBES cho rằng, chính hành vi của con người như tàn phá môi trường, tiêu dùng vô độ đang và sẽ khiến chúng ta "rước họa vào thân" khi mở rộng cửa cho các loại bệnh truyền nhiễm qua vật chủ trung gian tiến công con người. Một khi đại dịch xảy ra, hậu quả và thiệt hại sẽ là khôn lường. Ðồng thời, hành vi tàn phá môi trường, tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá không chỉ là nguồn gốc của dịch bệnh, mà còn là nguyên nhân của các thảm họa thiên tai.

Thực tế cho thấy, dường như nhân loại đang vướng vào vòng luẩn quẩn khi gắng sức tạo nhiều của cải vật chất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, nhưng sau đó các thảm họa dịch bệnh, thiên tai dẫn đến các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng lại xóa sạch mọi nỗ lực phát triển. Theo báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), thiệt hại kinh tế trực tiếp do các thảm họa gây ra đã tăng tới 250% trong 20 năm qua. Trong khi đó, IPBES ước tính rằng thiệt hại do khủng hoảng Covid-19 gây ra tính đến giữa năm 2020 lên đến 16.000 tỷ USD. Một vấn đề đáng lưu ý nữa là hiện nay các quốc gia chủ yếu là đối phó với dịch bệnh và thiên tai theo kiểu "cháy đâu chữa đấy", mà ít chú trọng giải quyết căn nguyên của các thảm họa hay phòng dịch.

Các báo cáo của Liên hợp quốc cũng chỉ rõ biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan gây thảm họa thiên tai. Bên cạnh đó, chính hành vi của con người, cách thức phát triển của các quốc gia là nguyên nhân gây nên các thảm họa. Theo IPBES, nếu tính từ đại dịch cúm năm 1918 đến nay, thì Covid-19 đã là đại dịch thứ sáu xảy ra với con người và tất cả những đại dịch này đều hoàn toàn bắt nguồn từ hoạt động của chính con người, trong đó có buôn bán và sử dụng các loại động vật hoang dã. Việc tiếp xúc gần hơn với những động vật hoang dã và động vật nuôi đã khiến con người nhiễm các căn bệnh truyền nhiễm từ vi-rút sống ký sinh trong cơ thể chúng. Các chuyên gia của IPBES cho rằng, có tới 70% trong số những căn bệnh mới, như Ebola, Zika và HIV/AIDS, có nguồn gốc động vật rồi lây sang cho con người.

Trong khi đó, cách tiếp cận hiện nay của các quốc gia để đối phó với các thảm họa dịch bệnh, thiên tai lại đang đi theo lối mòn và rơi vào bế tắc vì đều theo cách thức chỉ đến khi thảm họa xuất hiện mới tìm cách khắc phục hậu quả. Về "bài toán kinh tế", cách làm như vậy vừa không hiệu quả, vừa tốn kém, bởi chi phí để khắc phục hậu quả của các thảm họa và đại dịch hiện nay cũng như trong tương lai có thể đắt hơn 100 lần so với việc nếu các chính phủ triển khai các giải pháp phát triển bền vững hay phòng dịch.

Thực tế nêu trên cho thấy, để hạn chế các thảm họa thiên tai và dịch bệnh trong tương lai, cần thay đổi mạnh mẽ cách thức phát triển. Ðối với ngăn ngừa dịch bệnh, IPBES cho rằng thế giới cần sớm có một cơ chế ứng phó đại dịch quy mô toàn cầu với sự phối hợp chặt chẽ của các quốc gia. Theo đó, các nước cần thống nhất về mục tiêu ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học theo một hiệp định quốc tế tương tự như Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phát triển xanh, bền vững và bao trùm đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với mọi quốc gia trên thế giới. Phát biểu tại một hội nghị cấp cao của cộng đồng các quốc gia vùng Ca-ri-bê hôm 30-10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Gu-tê-rét đã kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để xây dựng các nền kinh tế xanh hơn, đa dạng hóa và có khả năng phục hồi nhanh.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng Covid-19 đang đặt ra cho nhân loại những thách thức vô cùng lớn. Song, đây cũng là cơ hội để các quốc gia cùng "thức tỉnh" trước mối nguy của các thảm họa còn có thể diễn ra nghiêm trọng hơn trong tương lai. Người đứng đầu Liên hợp quốc đã kêu gọi thế giới không nên bỏ lỡ cơ hội này. Ðây cần được xem là thông điệp quan trọng để các chính phủ, các đối tác phát triển trên toàn cầu thành lập một liên minh mới cùng hợp lực phục hồi kinh tế, phát triển theo hướng xanh, bền vững trong thời gian tới.

BẠCH DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/co-hoi-chuyen-doi-622853/