Cơ hội của đội tuyển nữ Việt Nam

Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a ở vòng play-off tranh suất dự Ô-lim-pích 2020 khu vực châu Á. Đây là thách thức lớn cho đội bóng đương kim vô địch Đông - Nam Á và SEA Games khi đối đầu đội bóng có vị trí thứ bảy thế giới theo xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Tuy không nhiều, nhưng cơ hội vẫn còn cho thầy trò HLV Mai Đức Chung.

Trận play-off bóng đá nữ tranh suất dự Ô-lim-pích 2020

Nỗ lực thi đấu của các tuyển thủ nữ Việt Nam trước đối thủ Hàn Quốc tại vòng loại Ô-lim-pích 2020.

Nỗ lực thi đấu của các tuyển thủ nữ Việt Nam trước đối thủ Hàn Quốc tại vòng loại Ô-lim-pích 2020.

Tại vòng loại thứ ba môn bóng đá nữ Ô-lim-pích 2020 vừa qua, thầy trò HLV Mai Đức Chung gặp nhiều thuận lợi tại bảng A khi đội tuyển nữ Triều Tiên không dự thi đấu và đã vươn lên xếp thứ nhì bảng với một trận thắng trước đội tuyển nữ Mi-an-ma và một trận thua đội tuyển nữ Hàn Quốc (0-3). Trong khi đó, đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a xếp thứ nhất bảng B khi có hai trận thắng đậm trước đội tuyển nữ Đài Loan (Trung Quốc) với tỷ số 7-0 và đội tuyển nữ Thái-lan 6-0 và hòa đội tuyển nữ Trung Quốc 1-1.

Nếu nhìn vào thành tích trong quá khứ, có thể thấy ngay sức mạnh và sự chênh lệch giữa hai đội ở trận play-off. Đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a từng bảy lần liên tục dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ trong tám lần tổ chức giải và bốn lần vào đến tứ kết. Ở cấp độ châu lục, từ khi gia nhập AFC, đội bóng của xứ căng-gu-ru cũng luôn có mặt tại vòng bán kết Asian Cup bóng đá nữ và từng một lần đoạt ngôi vô địch năm 2010, ba lần giành ngôi Á quân cùng một lần xếp thứ tư. Hiện tại, trong đội hình của đội bóng này có nhiều cầu thủ đang khoác áo thi đấu cho các câu lạc bộ bóng đá nữ chuyên nghiệp của châu Âu.

Xếp dưới đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a 25 bậc trên bảng xếp hạng của FIFA, đội tuyển nữ Việt Nam tuy đứng đầu khu vực Đông - Nam Á, song chưa bao giờ góp mặt tại đấu trường World Cup. Trong bảy lần đối đầu với đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a từ năm 2010 đến nay, đội bóng nước ta đều thất bại và nhận tới 37 bàn thua, trong đó đậm nhất là thua 0-11 ở trận đấu giao hữu năm 2015. Ở ba lần gần đây nhất, tại Asian Cup 2014, đội tuyển nữ Việt Nam để thua đối thủ 0-2; tại vòng loại cuối cùng giành suất dự Ô-lim-pích 2016 thua 0-9, còn tại Asian Cup 2018, chúng ta cũng thua tới 0-8.

Đánh giá về đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a, HLV Mai Đức Chung cho biết, đây là đội bóng có sức mạnh vượt trội so đội bóng nước ta không chỉ về thể lực cao, to hơn mà còn cả về kỹ thuật, chiến thuật với lối thi đấu hiện đại, mang đậm dấu ấn châu Âu với các đường chuyền dài và chơi bóng bổng hiệu quả. Những thế mạnh nêu trên và sự sắc bén của các mũi nhọn trên hàng công của đội tuyển nữ xứ căng-gu-ru đã được thể hiện rõ ràng qua những trận đấu ở bảng B vòng loại Ô-lim-pích 2020 vừa qua khi họ tạo ra “mưa bàn thắng” trước hai đội tuyển nữ Đài Loan (Trung Quốc) và Thái-lan. Cũng theo HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam không có giải pháp nào khác là sự lựa chọn lối chơi phòng ngự phản công, trong đó phải bảo đảm được một hàng phòng thủ chắc chắn, rồi mới nghĩ tới phản công để tìm kiếm cơ hội bàn thắng. Cũng vì thế, trong đội hình tuyển nữ Việt Nam dự trận play-off lần này, HLV Mai Đức Chung đã gọi bổ sung hai hậu vệ biên trái và đáng mừng là có sự trở lại của Chương Thị Kiều. Trước đó, trung vệ này đã vắng mặt ở vòng loại tại Giê-giu (Hàn Quốc) do bị chấn thương giãn dây chằng đầu gối.

Tuy nhiên, với bóng đá thì không thể nói trước khi các đội bước vào tới trận đấu cuối cùng để giành suất dự Ô-lim-pích vì khi đó quyết tâm của các tuyển thủ nữ Việt Nam lại càng cao, nhất là họ thi đấu với tâm lý thoải mái, tự tin, trong khi hy vọng vẫn còn phía trước với một trận đấu lượt về tại sân nhà. Ngay cả HLV An-tê Mi-li-xích của đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a cũng phải dè chừng và thận trọng trước trận đấu với đội bóng nước ta. Ông cho biết: “Đây là lúc mà chúng tôi tập trung cho trận đấu với đội tuyển nữ Việt Nam. Đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a thường gặp khó khăn với các đội bóng chơi phòng ngự phản công. Bóng đá nữ đã không còn như cách đây bốn năm, tất cả các đội bóng không còn ngủ quên mà đã tỉnh giấc. Hiện tại, nhiều đội bóng đã khác rất nhiều, trình độ giữa các đội cũng xích lại gần nhau hơn”. Nữ tuyển thủ En-li Các-pen-tơ của đội tuyển Ô-xtrây-li-a cũng cho rằng, cuộc đối đầu với đội bóng đương kim vô địch Đông - Nam Á sẽ khó khăn bởi “Đội tuyển nữ Việt Nam cũng là đội mạnh như Trung Quốc hay Hàn Quốc khi họ chiến đấu ở giải này với mục tiêu lớn. Chắc chắn, trận đấu tới sẽ là thách thức lớn. Chúng tôi phải cố gắng hết sức nếu muốn giành vé dự Ô-lim-pích 2020”.

Cho dù cơ hội tranh được suất dự Ô-lim-pích 2020 không nhiều, nhưng thi đấu ở vòng loại thứ ba vừa qua và ở trận play-off sắp tới với một đội hình được trẻ hóa, đội tuyển nữ Việt Nam đã và đang có được những trải nghiệm và kinh nghiệm thi đấu quý giá để chuẩn bị cho hành trình bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 31-2021. Về lâu dài, đó còn là mục tiêu vươn tầm ở các sân chơi châu lục và thế giới, nhất là tại vòng loại World Cup bóng đá nữ 2023. Trận play-off tranh suất dự Ô-lim-pích 2020 giữa hai đội sẽ diễn ra theo thể thức lượt trận đi - về, trong đó trận lượt đi sẽ diễn ra tại sân của Ô-xtrây-li-a vào ngày 6-3 và trận lượt về trên sân Cẩm Phả vào ngày 11-3.

NGUYỄN VIỆT ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thethao/nhip-song-the-thao/item/43312202-co-hoi-cua-doi-tuyen-nu-viet-nam.html