'Cơ hội' của Gio Linh

Sân bay Quảng Trị dự kiến sẽ khởi công vào quý 2-2022 ngay trên địa phận huyện Gio Linh là một bước ngoặt đối với địa phương này. Tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây qua mạn đông của huyện cũng chính thức được phê duyệt. 'Thiên thời, địa lợi, nhân hòa' đang biến Gio Linh thành một trung tâm kinh tế lớn phía Bắc của tỉnh Quảng Trị với nhiều hy vọng.

 Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nhiều năm qua đã trở thành một điểm đến quan trọng trong bản đồ du lịch tâm linh của cả nước - Ảnh: QUỐC NAM

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nhiều năm qua đã trở thành một điểm đến quan trọng trong bản đồ du lịch tâm linh của cả nước - Ảnh: QUỐC NAM

Ông Trần Văn Quảng, Bí thư Huyện ủy Gio Linh nói đây là cơ hội lớn của Gio Linh và huyện đang tích cực vận dụng tối đa các nguồn lực để tận dụng. “Mở rộng cửa, mở rộng lòng” chính là quan điểm nhất quán của huyện ở giai đoạn bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử phát triển kinh tế của địa phương.

Tam giác du lịch “chuyển mình”

Nhắc tới Gio Linh phải nhắc tới biển. Huyện có bờ biển dài với nhiều điểm nhấn đã định hình trong bản đồ du lịch của Việt Nam nhiều năm qua như Cửa Việt, Gio Hải. Khu nghỉ dưỡng - du lịch - dịch vụ mà Tập đoàn T&T đang đầu tư xây dựng tại ven biển Gio Hải với số vốn lên đến gần 4.500 tỉ đồng là bằng chứng rõ nét nhất về tầm vóc của du lịch biển Gio Linh. Nhưng điều ông Quảng nhắc đến nhiều nhất chính là việc tỉnh Quảng Trị vừa “chốt” thời điểm khởi công tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế ĐôngTây chạy dọc ven vùng biển qua huyện vào đầu năm 2022.

Theo thiết kế, tuyến đường này có tổng chiều dài hơn 55 km bắt đầu từ vùng ven biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh chạy dọc ven biển qua huyện Gio Linh, Triệu Phong rồi cắt lên đến TP. Đông Hà và được xác định là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Trị trong tương lai gần. “Tuyến đường này mở ra rất nhiều cơ hội mới cho Gio Linh ở phía Đông. Một vùng đất rộng lớn dọc bờ biển sẽ có cơ hội tiếp cận với các dự án du lịch mới. Quan trọng nhất là tuyến đường này có thể kết nối với tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, vừa chỉ cách sân bay Quảng Trị vài kilomet”, ông Quảng nói.

Hai điểm nhấn khác trên tam giác du lịch mà ông Quảng nhắc đến với nhiều kỳ vọng đó là vùng giếng cổ Gio An và điểm du lịch hoài niệm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thì đã là một điểm đến mang tầm quốc gia trong hành trình về nguồn của nhiều thế hệ người Việt hàng chục năm qua. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10 ngàn anh hùng liệt sĩ chống Mỹ cứu nước từ khắp mọi miền Nam Bắc. Mỗi năm nghĩa trang này đón hàng triệu lượt khách đến hành hương và hoài niệm. Cách đây 3 năm, Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink lần đầu tiên đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ đang nằm lại đã như là một minh chứng cho khát vọng hòa bình và tầm vóc của Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

 Hệ thống giếng cổ Gio An với những nét độc đáo có thể tạo nên một chuỗi du lịch cộng đồng ấn tượng trong tương lai - Ảnh: QUỐC NAM

Hệ thống giếng cổ Gio An với những nét độc đáo có thể tạo nên một chuỗi du lịch cộng đồng ấn tượng trong tương lai - Ảnh: QUỐC NAM

Riêng với vùng giếng cổ Gio An, ông Quảng vẫn đau đáu một nỗi niềm. Gio An có một hệ thống giếng cổ có nguồn gốc từ Chăm Pa với niên đại hơn 2.000 năm tuổi và đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ hơn 20 năm nay. Giếng cổ Gio An là một hệ thống công trình dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là một di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa và nghệ thuật độc đáo do người Chăm Pa cổ sáng tạo nên và được người Việt tiếp thu, giữ gìn cho đến ngày nay. Hiện tại hệ thống giếng cổ này có 14 giếng trải đều trên 5 thôn của xã. Tất cả các giếng cổ này đều cơ bản còn được giữ nguyên hình dạng khởi thủy.

Những năm gần đây, huyện Gio Linh đã có định hướng xây dựng giếng cổ Gio An thành một vùng du lịch cộng đồng. Hạ tầng đường sá đã được huyện đầu tư. Những hạng mục dịch vụ phụ trợ cũng được huyện xây dựng bước đầu. Một số đơn vị lữ hành bắt đầu đưa du khách thích trải nghiệm cuộc sống thôn dã về với Gio An để đặt những viên gạch đầu tiên cho việc phát triển du lịch. Chị Nguyễn Thị Hải Oanh, người sáng lập và điều hành Amazing English Tour tại Quảng Trị cho biết chị đã tổ chức được nhiều tour đến hệ thống giếng cổ độc đáo này. “Đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị nếu biết khai thác. Nhất là khi Quảng Trị có sân bay, nhiều khách du lịch sẽ chọn Quảng Trị làm điểm đến”, chị Oanh nói.

Cũng theo ông Trần Văn Quảng, Gio An ngoài việc mang trong mình trầm tích văn hóa sâu thẳm với nền văn minh Chăm Pa còn in đậm dấu tích thì đây là một vùng đất thanh bình. “Nơi đây phù hợp với mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhưng cần nhiều hơn những sự đầu tư xứng đáng trong tương lai”, ông Quảng trăn trở.

Lối mở cho nghề khai thác hải sản

Năm 2022 được xem là năm bước ngoặt với Quảng Trị khi nhiều dự án lớn được triển khai. Dự kiến tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là một cơ hội khác của Gio Linh.

Trong những ngành kinh tế trọng điểm của huyện, thì những năm qua nghề khai thác hải sản là điểm nhấn lớn nhất của vùng phía Đông Gio Linh. Tính sơ lược thì có đến 5 xã, thị trấn của huyện sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy hải sản. Trong đó có hai địa phương chuyên đánh bắt hải sản xa bờ là thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt. Riêng hai địa phương này đã có hàng trăm tàu thuyền công suất lớn chuyên vươn khơi bám biển.

Ngoài ra, cảng cá Cửa Việt cũng là một cảng cá lớn của miền Trung khi mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền của ngư dân các tỉnh khác cập cảng bán hải sản trước khi trở lại biển đánh bắt. Theo thống kê của huyện Gio Linh thì tổng sản lượng thủy hải sản do ngư dân của huyện đánh bắt và thu mua của các tàu vào cảng Cửa Việt tiêu thụ lên đến trên 30 ngàn tấn. Tuy nhiên, một nghịch lý đã tồn tại ở địa phương này nhiều năm qua là chưa có một nhà máy chế biến thủy hải sản nào.

 Kinh tế biển của Gio Linh có rất nhiều tiềm năng với sản lượng mỗi năm lên đến hơn 30 ngàn tấn thủy hải sản - Ảnh: QUỐC NAM

Kinh tế biển của Gio Linh có rất nhiều tiềm năng với sản lượng mỗi năm lên đến hơn 30 ngàn tấn thủy hải sản - Ảnh: QUỐC NAM

Ông Trần Văn Quảng cho biết huyện cũng đã nhiều lần kêu gọi đầu tư nhưng hiện các nhà đầu tư vẫn chưa đến tìm hiểu. Sản lượng hải sản khổng lồ đó hầu hết đều chỉ được sơ chế ở các lò hấp cá nhân rồi đưa lên xe chở đi nhập cho các vùng khác hoặc nhập qua Trung Quốc. “Quỹ đất cho nhà máy chế biến thủy hải sản huyện đã chuẩn bị sẵn. Sản lượng thủy hải sản đánh bắt đáp ứng được công suất hoạt động mức cao. Nguồn nhân lực tại địa phương cũng rất nhiều. Một nhà máy chế biến thủy hải sản sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cho cả nhà đầu tư lẫn ngư dân. Chúng tôi đã sẵn sàng đón cơ hội này”, ông Quảng nói.

Thiên Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=165052&title=%E2%80%9Cco-hoi%E2%80%9D-cua-gio-linh