'Cơ hội cuối' cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Iran chấp thuận nối lại đàm phán với các cường quốc về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau gần 6 tháng trì hoãn, trong bối cảnh phương Tây cảnh báo chương trình hạt nhân của Tehran đã đạt ngưỡng rất nguy hiểm, còn Israel đe dọa tấn công quân sự.

Trong thông báo phát đi ngay sau cuộc điện đàm với quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU), Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani sáng 4/11 (giờ Hà Nội) xác nhận các cuộc đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), tại Vienna (Áo), sẽ được tái khởi động từ ngày 29/11. “Chúng tôi đã đồng ý bắt đầu đàm phán nhằm loại bỏ các lệnh cấm vận vô lý”, ông Bagheri viết trên Twitter, nhắc đến các gói trừng phạt khắt khe mà Mỹ áp đặt chống lại nước này từ sau khi Washington rút khỏi JCPOA dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump năm 2018.

Theo Reuters, EU đã thông báo phái viên Enrique Mora sẽ chủ trì cuộc gặp quan trọng tới đây ở Vienna. Ông Mora là người dẫn dắt các cuộc đàm phán gần nhất và mới đây đã bay đến Tehran để thúc đẩy việc nối lại đối thoại giữa Iran và các cường quốc. Các bên sẽ tiếp tục thảo luận về triển vọng Mỹ có thể trở lại JCPOA và làm thế nào để đảm bảo tất cả các bên thực hiện đầy đủ, hiệu quả thỏa thuận.

Đại diện EU và Iran tham dự các cuộc đàm phán ở Vienna, Áo hồi tháng 4/2021. Ảnh: EPA

Cùng ngày, từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thì khẳng định, Mỹ tin tưởng các cuộc đối thoại sẽ giải quyết được hết “số ít còn lại” các vấn đề còn tồn đọng. Ông Price cho hay, Đặc phái viên Mỹ về Iran, Robert Malley, sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự các cuộc đối thoại ở Vienna. Quan chức ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo thời gian để cứu vãn JCPOA không còn nhiều. “Chúng tôi tin rằng nếu người Iran nghiêm túc, chúng tôi có thể xoay xở để làm điều đó trong thời gian tương đối ngắn, nhưng chúng tôi cũng đã nói rất rõ, rằng cơ hội này sẽ không mở ra mãi mãi”, quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Việc nối lại thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015 là nguyện vọng của Iran, cũng đồng thời một mục tiêu chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, Mỹ và Iran đã bất đồng nhiều tháng về việc bên nào sẽ nhượng bộ trước. Với nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi từ các cường quốc còn lại trong JCPOA, với vai trò chủ chốt thuộc về EU, Mỹ và Iran đã tham gia 6 vòng đàm phán gián tiếp tại Vienna từ tháng 4 để tìm cách đưa Mỹ trở lại văn kiện và buộc Iran tái tuân thủ nghiêm ngặt JCPOA, trong bối cảnh Tehran khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại vì đã đảo ngược nhiều cam kết của mình trong thỏa thuận và tăng cường mức độ làm giàu uranium với lí do trả đũa các lệnh trừng phạt đơn phương của Washington.

Từ khi ông Ebrahim Raisi thắng cử Tổng thống Iran hồi tháng 6, các cuộc đàm phán bắt đầu đình trệ. Mỹ sau đó áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Iran, còn Tehran tiếp tục tăng cường làm giàu uranium. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Italy tuần trước, lãnh đạo các nước Mỹ, Đức, Pháp và Anh ra tuyên bố chung về chương trình hạt nhân Iran, trong đó tin rằng, JCPOA vẫn có thể được cứu vãn, đồng thời hối thúc Tổng thống Iran “nắm bắt cơ hội và hành động có thiện chí” để các cuộc đàm phán có kết quả.

“Đó là cách an toàn duy nhất ngăn chặn tình thế leo thang nguy hiểm, điều chẳng hề có lợi cho bất kỳ quốc gia nào”, văn kiện được thông qua bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có đoạn. Lãnh đạo các cường quốc cũng hối thúc Iran hợp tác với hoạt động giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đồng thời khẳng định quyết tâm “đảm bảo rằng Iran không bao giờ có thể phát triển hoặc có được vũ khí hạt nhân”.

Hiện chưa rõ các nước sẽ bước vào vòng đàm phán mới với các yêu cầu cụ thể ra sao. Trong khi phương Tây muốn viết lại JCPOA theo hướng siết chặt các quy định nhằm vào chương trình hạt nhân Iran, thì Tehran vẫn muốn duy trì văn kiện như khi nó được thông qua năm 2015. Hôm 31/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đề nghị thỏa thuận hạt nhân Iran nên được khôi phục nguyên vẹn giống như lúc được kí kết cách đây 6 năm, không kèm nội dung sửa đổi nào.

Giới quan sát nhận định, việc Iran đồng ý nối lại đàm phán cho thấy thái độ mềm dẻo hơn của Tehran trong nỗ lực cứu vãn JCPOA, cũng đồng thời mở ra cơ hội quan trọng – được xem là “cơ hội cuối” để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Iran và các nước rõ ràng cần tranh thủ cơ hội này. Trong bài bình luận hôm 2/11, tờ Business Insider đánh giá, sẽ không có “kế hoạch B” khả thi nào và nguy cơ của một cuộc xung đột trực tiếp là hiện hữu, khi mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cách đây vài hôm bất ngờ cho biết ông không loại trừ các lựa chọn quân sự chống lại Iran nếu các cuộc đàm phán thất bại.

Ở Trung Đông, các quan chức cấp cao nhất của Israel thì cảnh báo khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa nước này và Iran là rất khó tránh, bởi Tel Aviv coi đây là cách duy nhất ngăn Tehran đạt được năng lực tấn công hạt nhân. Trong bước đi thể hiện thái độ cứng rắn, Israel từ ngày 21/10 đã nối lại các cuộc tập luyện không kích nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran, sau hai năm gián đoạn. Tel Aviv cũng bố trí riêng một khoản ngân sách lên đến 1,5 tỷ USD nhằm sẵn sàng thực hiện một đợt tấn công chống Iran. “Chương trình hạt nhân của Iran đã đạt được bước đột phá và sự khoan dung của chúng tôi cũng vậy. Lời nói không thể ngăn được máy ly tâm… Chúng tôi sẽ không cho phép Iran có vũ khí hạt nhân”, Thủ tướng Israel Naftali Bennett tuyên bố.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/co-hoi-cuoi-cuu-thoa-thuan-hat-nhan-iran-i633837/