'Cơ hội đang mở ra cho những người đi nhanh, cho đổi mới, sáng tạo'

PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VIE) cho rằng, thời điểm này, cơ hội đang mở ra cho những người đi nhanh, cho đổi mới, sáng tạo... Đó chính là động lực mới cho tăng trưởng. Câu hỏi là, Việt Nam đang ở đâu và đang hành động gì trong sự chuyển dịch rất nhanh này?.

Tăngtrưởng không thể phụ thuộc vào một vài động lực

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam thời gian vừa qua.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 66,62 tỉ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỉ USD, xuất siêu hơn 8 tỉ USD.

Tăng trưởng không thể chỉ phụ thuộc vào một vài động lực.

Tăng trưởng không thể chỉ phụ thuộc vào một vài động lực.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,05% so với tháng trước và bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.

Vốn đầu tư công thực hiện đạt kết quả tốt hơn về kế hoạch giải ngân so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, vốn FDI thực hiện trong 5 tháng ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm trong 5 năm qua; trong đó, 78,9% số vốn FDI thực hiện thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đây đều là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua và cả thời điểm hiện tại.

Dù các “bệ đỡ” này đều đạt được những kết quả mang tính tích cực, nhưng tình hình kinh tế - xã hội hiện vẫn còn những tồn tại, thách thức đan xen cản trở mục tiêu tăng trưởng, nhất là khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế.

Dưới góc nhìn của mình, PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VIE) cho rằng, với động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế thời gian vừa qua và cả hiện tại như xuất nhập khẩu hay đầu tư công dù còn dư địa, nhưng dần sẽ không thể đóng góp quá nhiều cho tăng trưởng nhanh.

Cụ thể, theo ông Tuấn, động lực từ đầu tư công là quan trọng, nhưng chủ yếu tập trung cho hạ tầng và chỉ là vốn mồi, còn đầu tư tư nhân mới quan trọng trong đóng góp vào tăng trưởng.

Song, đầu tư tư nhân tuy đã khởi sắc hơn năm ngoái nhưng đang rất có nhiều vấn đề về động lực, sức khỏe, niềm tin. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tốc độ già hóa dân số đang tác động rất lớn tới thị trường nội địa chưa được làm rõ, trong khi động lực từ tiêu dùng nội địa giảm mạnh.

Do vậy, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững không thể chỉ phụ thuộc vào một vài động lực cũng như không thể phụ thuộc vào khu vực FDI.

Thực tế, các nền kinh tế trên thế giới hiện cũng đang đi tìm động lực tăng trưởng mới, cũng đang nhìn thấy những vấn đề phức tạp, không thuận lợi của bối cảnh kinh tế, địa chính trị hiện tại, nhưng cũng có nhiều cơ hội từ các sáng kiến của cộng đồng xung quanh.

Nhiều nền kinh tế khác đang đi rất nhanh tới kinh tế số, kinh tế xanh và nhiều chuyển dịch khác. Điển hình như Singapore đã khởi xướng Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA) cùng với Chile và New Zealand từ năm 2021. Hàn Quốc vừa trở thành thành viên thứ tư của hiệp định này vào đầu tháng 5/2024. Trung Quốc và Canada cũng đang tiến hành quy trình chính thức cho việc gia nhập DEPA, còn Costa Rica và Peru đã gửi yêu cầu chính thức để gia nhập.

“Thời điểm này, cơ hội đang mở ra cho những người đi nhanh, cho đổi mới, sáng tạo... Đó chính là động lực mới cho tăng trưởng. Câu hỏi là, Việt Nam đang ở đâu và đang hành động gì trong sự chuyển dịch rất nhanh này. Đây là điều mà tôi chờ đợi Quốc hội, Chính phủ bàn sâu, để có giải pháp cụ thể, kịp thời”, ông Tuấn nói.

Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là việc làm rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế đất nước đi lên trong giai đoạn mới.

Đổi mới thể chế - mở đường cho tăng trưởng

Nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới cũng như khai thác được các cơ hội mới cho sự phát triển của nền kinh tế, vị chuyên gia này cho rằng, rất cần giải phóng các nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Tăng trưởng không thể chỉ phụ thuộc vào một vài động lực.

Tăng trưởng không thể chỉ phụ thuộc vào một vài động lực.

Song, để làm được điều đó cần thể chế đi trước, mở đường, thể chế ổn định, minh bạch, mang tính hỗ trợ cho đổi mới, sáng tạo, bệ đỡ cho những người dũng cảm, dám làm khác, làm mới.

“Chỉ có đầu tư của doanh nghiệp mới tạo nên giá trị, tạo tăng trưởng, vì đầu tư công là dẫn dắt, vốn mồi, chứ không thể chi phối. Đặt trong bối cảnh động lực tăng trưởng truyền thống đang hết đà để thấy vai trò của thể chế mở đường, đúng như các Nghị quyết của Trung ương đã xác định: đổi mới thể chế chính là động lực quan trọng tạo nên tăng trưởng”, ông Tuấn khẳng định.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, ban hành các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách.

Dù vậy, hiện nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện, gây khó khăn trong tổ chức triển khai.

Do đó, để phát huy các động lực tăng trưởng mới, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách thể chế, bởi thể chế cũng chính là một nguồn lực. Mấu chốt là các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thực chất các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ.

Cùng với đó, cần phải tạo ra động lực liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp theo tư duy chuỗi giá trị để cùng hợp tác, cùng phát triển, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách. Ngoài ra, để tiếp cận hiệu quả thị trường thế giới, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/co-hoi-dang-mo-ra-cho-nhung-nguoi-di-nhanh-cho-doi-moi-sang-tao-d111555.html