Cơ hội dành cho Australia trên thị trường kim loại hiếm

Báo cáo của Bộ Công nghiệp Australia cho biết nước này đang tìm cách phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc đối với các loại khoáng chất quan trọng được sử dụng trong các thiết bị công nghệ cao.

Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường đất hiếm của thế giới. Ảnh: Reuters/TTXVN

Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường đất hiếm của thế giới. Ảnh: Reuters/TTXVN

* Sự thống trị của Trung Quốc

Báo cáo cho biết Trung Quốc hiện đang thống trị quá trình cung cấp và chế biến một loạt khoáng chất kim loại như các nguyên tố đất hiếm, vonfram, magie và cobalt. Đây là những thành phần quan trọng cho công nghệ, được sử dụng trong các sản phẩm từ điện thoại thông minh đến ắc quy và năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ, Bắc Kinh không giấu giếm việc họ sẵn sàng tận dụng sự thống trị của mình để đe dọa hạn chế việc cung cấp các nguyên tố đất hiếm cho Mỹ và các đồng minh, cũng như áp thuế nhập khẩu đối với quặng từ các nhà cung cấp Mỹ.

Sự đe dọa của Trung Quốc đã khiến Bộ Quốc phòng Mỹ và các ngành công nghiệp công nghệ cao đổ xô tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế cho một loạt khoáng chất "có chức năng kinh tế quan trọng, không dễ thay thế và có rủi ro về nguồn cung".

Trung Quốc đang thống trị việc cung cấp và chế biến gần như tất cả các khoáng chất quan trọng, trong đó có niobi, các nguyên tố đất hiếm, cobalt, antimony, magie và vonfram (tungsten).

Nước này tinh chế hơn 60% lượng cobalt của thế giới - một thành phần chủ chốt trong các loại ắc quy điện và là quốc gia sử dụng niobi nhiều nhất - một loại vật liệu làm tăng độ bền của thép và một thành tố quan trọng trong việc chế tạo các tụ điện siêu nhỏ.

Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng sản xuất 86% sản lượng magie trên toàn cầu. Kim loại này có vai trò ngày càng quan trọng trong việc chế tạo hợp kim làm giảm trọng lượng của xe ô tô, công cụ và máy móc, cũng như sử dụng trong nông nghiệp và công nghiệp.

Trung Quốc cũng là nơi khai thác 79% lượng vonfram của thế giới. Kim loại này được sử dụng để sản xuất hợp kim và thép chuyên dụng, cũng như sản xuất điện cực, dây tóc, dây điện và các thành phần khác cho các sản phẩm điện và điện tử.

Ngoài ra, nước này cũng sản xuất 48% lượng antimony sử dụng trong các loại ác quy chì và sử dụng làm chất chống cháy, hoặc là một thành phần trong nhựa, thủy tinh và gốm sứ.

* Cơ hội cho Australia

Bản báo cáo của Bộ Công nghiệp Australia cũng cho biết nước này là một trong 6 quốc gia hàng đầu thế giới sở hữu các khoáng chất quan trọng.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên Australia Matt Canavan, ngành khai mỏ của Australia đang có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất và đầu tư để đáp ứng nhu cầu trên thế giới trong bối cảnh nhiều quốc gia đang ngày càng quan tâm tới các khoáng sản có vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ, vốn đang có thị trường tiêu thụ tăng nhanh, song lại có sản lượng sản xuất và chế biến hạn chế.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành khai mỏ của Australia là chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa. Mỏ vonfram duy nhất của nước này ở Queensland đã bị phá sản vào năm 2016 do giá hàng hóa quá thấp.

Ngoại trừ tại một vài mỏ có chất lương cao, vonfram, cũng như antimony và cobalt, thường được sản xuất như một sản phẩm phụ trong quá trình khai thác các khoảng sản khác. Do đó, sự đóng góp của Australia vào nguồn cung toàn cầu các khoáng sản này phụ thuộc vào giá cả của các khoáng sản chính tại các mỏ.

Bà Amanda Lacaze, Giám đốc điều hành của công ty khai mỏ Lynas, cũng khẳng định mặc dù Australia là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất trên thế giới bên ngoài Trung Quốc, khả năng tiếp cận lâu dài của các nước đồng minh của Australia đối với các khoáng chất là thành phần chính trong hệ thống vũ khí, nam châm và công nghệ năng lượng tái tạo, vẫn sẽ phụ thuộc vào giá cả,

Bà Lacaze nói rằng căng thẳng thương mại Mỹ- Trung Quốc đã làm tăng sự quan tâm đối với các loại đất hiếm, song mối quan tâm của Washington đối với các nguồn cung mới cần được bảo đảm bởi cơ cấu giá hợp lý trong dài hạn.

Điều mà các nhà cung cấp Australia cần hiện nay là các khoản vay ưu đãi và giá hợp đồng dài hạn cao hơn giá thị trường giao ngay, tương tự như giá được áp dụng bởi các nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung uranium trên thị trường./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/co-hoi-danh-cho-australia-tren-thi-truong-kim-loai-hiem/133025.html