Cơ hội đầu tư rộng mở cho điện mặt trời áp mái
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại một doanh nghiệp ở KCN An Phú. Ảnh: NGÔ XUÂN
Vừa qua, Sở Công thương phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội nghị phát triển điện mặt trời mái nhà (điện mặt trời áp mái). Đây là dịp để nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp tìm hiểu về lợi ích cũng như các cơ hội đầu tư điện mặt trời áp mái.
Nhiều lợi ích
Theo Sở Công thương, điện mặt trời áp mái được lắp đặt trên mái nhà hoặc gắn với công trình xây dựng và đấu nối trực tiếp vào lưới điện của bên mua điện. Việc phát triển và sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái vừa giúp tận dụng diện tích mái nhà sẵn có để sản xuất điện, vừa có tác dụng làm mát mái nhà, từ đó giảm tiêu hao năng lượng cho các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt máy.
Theo Sở Công thương, giá bán điện mặt trời áp mái trước ngày 1/1/2018 là 2.086 đồng/kWh, năm 2018 là 2.096 đồng/kWh, năm 2019 là 2.134 đồng/kWh. Các khách hàng lắp đặt và vận hành thương mại sau ngày 30/6/2019 sẽ được ngành Điện lắp đặt công tơ 2 chiều ghi nhận sản lượng điện, ký biên bản thỏa thuận tạm thời nhưng chưa thanh toán tiền điện cho đến khi có hướng dẫn mới của Bộ Công thương.
Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cũng giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng xuống do ban ngày sử dụng nguồn điện trực tiếp từ hệ thống điện mặt trời. Điều này đồng nghĩa với việc giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp cũng như phí sinh hoạt của các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, lượng điện dư thừa từ hệ thống phát ngược lên lưới điện quốc gia sẽ được ngành Điện ghi nhận và chi trả hàng tháng, tạo một khoản thu cho các hộ gia đình, doanh nghiệp. Việc phát triển các hệ thống điện mặt trời áp mái còn giúp tận dụng khả năng đấu nối và truyền tải đường dây 22kV và 0,4kV, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng của ngành Điện.
Về lâu dài, việc phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái góp phần bổ sung công suất nguồn cho hệ thống điện lưới quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động đến môi trường do hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái tại KCN An Phú, đến nay, Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn đã nhận được lợi ích từ mô hình này. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty cho biết: Trước đây, mỗi tháng công ty phải trả khoảng 30-40 triệu đồng tiền điện. Sau khi đầu tư hệ thống điện mặt trời công suất 270kWp trên mái nhà xưởng, lượng điện thu được đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, đơn vị chỉ chi trả tiền điện thắp sáng vào ban đêm khoảng 3-5 triệu đồng/tháng. Đồng thời, công ty thu về từ 17-20 triệu đồng tiền bán điện mỗi tháng. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống điện mặt trời lên 1MWp, đáp ứng đủ nhu cầu mở rộng sản xuất và tạo thêm nguồn thu cố định cho đơn vị.
Khuyến khích đầu tư lắp đặt
Theo ông Nguyễn Khoa Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, thời gian qua, ngành Điện đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; kết nối khách hàng tiềm năng với nhà cung cấp các giải pháp kỹ thuật, giải pháp tài chính để phát triển điện mặt trời áp mái cho khách hàng. Ngành Điện đã chủ động tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật, tiếp nhận và giải quyết các trình tự thủ tục đầu tư, đấu nối hệ thống điện mặt trời cũng như thanh toán tiền điện cho khách hàng.
Để khuyến khích phát triển điện mặt trời, hiện một số ngân hàng cho khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn đầu tư dự án với nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể, HD Bank cho doanh nghiệp vay vốn xây lắp dự án điện mặt trời áp mái với tỉ lệ lên đến 70% tổng mức đầu tư, thời hạn vay đến 5 năm. Tài sản bảo đảm chính là hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với mức tài trợ lên đến 10 tỉ đồng và được đối tác liên kết chuyên lắp đặt, thi công, bảo trì, bảo hành hệ thống, bảo hiểm sản lượng điện cho khách hàng.
Sacombank phối hợp Công ty CP Giải pháp năng lượng TP Hồ Chí Minh hỗ trợ các khách hàng vay vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với lãi suất ưu đãi; tài sản thế chấp linh hoạt, bằng bất động sản hoặc chính hệ thống điện mặt trời, cùng với chính sách bảo trì, bảo dưỡng hệ thống miễn phí trong 5 năm…
Hiện toàn tỉnh có 166 công trình điện mặt trời áp mái của các doanh nghiệp, hộ gia đình lắp đặt trên toàn tỉnh; với tổng công suất 3,03MWp. Trong đó, ngành Điện lắp đặt 21 vị trí tại các trụ sở điện lực và trạm biến áp 110KV, với công suất 488kWp; còn lại là các doanh nghiệp, hộ gia đình lắp đặt 145 vị trí với tổng công suất 2,55MWp.
“Ngoài các công trình đã lắp đặt, hiện toàn tỉnh còn 10 dự án đang đăng ký với công suất dự kiến 9,6MWp. Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái của Phú Yên, thì số lượng dự án và tổng công suất các dự án điện mặt trời áp mái vẫn chưa tương xứng. Thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình đẩy mạnh đầu tư điện mặt trời áp mái để tạo thêm nguồn năng lượng sạch cho lưới điện quốc gia”, ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương nói.