Cơ hội để ASEAN-Ấn Độ phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Ấn Độ lần thứ 16 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan ngày 3.11 đã kết thúc với nhiều tiến triển vượt bậc.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16. Ảnh: ASEAN2019.GO.TH

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16. Ảnh: ASEAN2019.GO.TH

Hội nghị là cơ hội để ASEAN-Ấn Độ phát triển quan hệ đối tác chiến lược song phương.

Đạt được nhiều tiến triển

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Ấn Độ và ASEAN đã thảo luận về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn ở Biển Đông, đặc biệt là tự do hàng hải và hàng không; nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ, trong đó có tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Hai bên cũng trao đổi về vai trò hàng đầu của Ấn Độ trong việc nâng cao năng lực, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, và bày tỏ quan tâm đến tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực hàng hải và không gian mạng.

Ngoài ra, các vấn đề về chủ nghĩa khủng bố, chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, an ninh mạng cũng đã được đưa ra thảo luận.

Hai bên đã nêu bật sự hội tụ của những cách tiếp cận của mỗi bên đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhìn lại 26 năm qua, các nhà lãnh đạo vui mừng ghi nhận những tiến triển vượt bậc của mối quan hệ đặc biệt này.

Các lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ vì lợi ích chung trên tất cả các mặt thông qua thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2020.

Theo đó, ASEAN và Ấn Độ tiếp tục củng cố cơ chế đối thoại các cấp; tăng cường hợp tác và phối hợp trong những vấn đề hòa bình và an ninh khu vực, đấu tranh chống khủng bố, cực đoan và các loại tội phạm xuyên quốc gia.

Về kinh tế, hai bên tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại, hợp tác hàng hải, hàng không, công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường giao lưu doanh nghiệp…

Về văn hóa-xã hội, hai bên sẽ gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực bảo tồn và gìn giữ di sản, du lịch văn hóa, tâm linh, giáo dục-đào tạo, phát triển năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học…

Các nước ASEAN đã đánh giá cao đóng góp của Ấn Độ trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ Ấn Độ là người bạn dài lâu, đối tác năng động và thừa nhận sự đóng góp của Ấn Độ trong khu vực vì hòa bình và ổn định.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nói về "nhiều điểm tương đồng" mà theo họ có với tầm nhìn của Ấn Độ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả quan điểm an ninh và tăng trưởng cho tất cả các bên.

Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định ASEAN đóng vai trò cốt lõi trong chính sách Hành động hướng Đông của nước này và hoan nghênh hợp tác Ấn Độ-ASEAN về triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Modi cũng nhấn mạnh ý định tăng trưởng đáng kể việc đi lại của mọi người vì mục đích du lịch và giáo dục.

Nhân dịp này Thủ tướng Ấn Độ cũng chúc mừng nồng nhiệt Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và tổ chức hội nghị Đông Á vào năm tới.

Quan hệ đối tác chiến lược

Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đã có mối quan hệ từ lâu đời.

Từ năm 1947 đến nay, quan hệ Ấn Độ và Đông Nam Á, xét cả chiều rộng và chiều sâu đều tương đối thuận lợi.

ASEAN và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối thoại năm 1992, thời điểm Ấn Độ là một nền kinh tế hướng nội. Năm 1995, ASEAN và Ấn Độ nâng lên quan hệ đối tác đối thoại toàn diện.

Tháng 12.2012, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ đã trở thành điểm mốc mang tính bước ngoặt trong quan hệ hai bên với tuyên bố nâng quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên đối tác chiến lược.

Mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-ASEAN đã phát triển thành một trong những đối tác phát triển nhanh nhất, năng động và toàn diện nhất của ASEAN.

Hai bên đã thiết lập được 30 cơ chế hợp tác, bao gồm hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp cấp bộ trên nhiều lĩnh vực. Các cơ chế hợp tác này đang đạt được những tiến bộ đáng kể.

Hai bên đã hoàn tất việc triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011-2015 và nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ thông qua việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động mới giai đoạn 2016-2020.

Năm 2017 là năm bước ngoặt cho cả ASEAN và quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ khi ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập còn Ấn Độ và ASEAN kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối thoại, 15 năm đối thoại ASEAN-Ấn Độ ở cấp Hội nghị cấp cao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Đặc biệt, sự coi trọng mối quan hệ với ASEAN được thể hiện qua việc Ấn Độ gửi thư mời toàn bộ 10 nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tham dự lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ tại New Delhi hồi đầu năm 2018 với tư cách khách mời danh dự. Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại quốc gia Nam Á này.

Đáp lại thiện chí của Ấn Độ, tất cả lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đều đã tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ tại thủ đô New Delhi và Ngày Cộng hòa Ấn Độ 25.1.2018. Hội nghị kết thúc tốt đẹp với việc lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ thông qua Tuyên bố Delhi, đề ra tầm nhìn và phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ những năm tới có thể được xem là thông điệp thể hiện sự đồng điệu giữa hai bên.

Thúc đẩy hợp tác trên 3 bình diện: ngoại giao, quân sự và kinh tế

Giới phân tích nhận định trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động hiện nay, ASEAN và Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên 3 bình diện là kinh tế, ngoại giao và quân sự vì lợi ích chung.

Về ngoại giao, trong bối cảnh chính sách “Ưu tiên nước láng giềng” của ông Modi gặp phải trở ngại, Ấn Độ một mặt tăng cường quan hệ với các nước phương Tây, mặt khác chuyển đổi chính sách “Nhìn sang phía Đông” thành “Hành động hướng Đông”, nhấn mạnh đến tính cấp thiết triển khai hành động cụ thể để tăng cường phát triển quan hệ với các nước ASEAN.

Trên thực tế, năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, chính sách “Nhìn sang phía Đông” được Ấn Độ đưa ra năm 1991 đã được nâng lên thành chính sách “Hành động hướng Đông” và Ấn Độ đã tích cực triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” trong đó coi ASEAN là trụ cột chính. Trong khi đó, ASEAN coi Ấn Độ là một đối tác tự nhiên và tin cậy trong chính sách "Hành động hướng Tây".

Chính những điều này đã thúc đẩy sự tiếp xúc giữa các nước thành viên ASEAN với Ấn Độ. Các quan chức cấp cao của Ấn Độ đã thực hiện nhiều chuyến thăm chính thức tới các nước thành viên của ASEAN và ngược lại. Điều này cũng thể hiện rõ mối quan hệ chính trị ngoại giao ASEAN-Ấn Độ không ngừng được thắt chặt và mở rộng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo nền tảng cho sự hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Về quân sự, Ấn Độ đang cần tìm kiếm đối tác hợp tác mạnh mẽ để mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó thể hiện vai trò của mình trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời đối phó với các thách thức chung.

Bên cạnh sự hợp tác về ngoại giao, quân sự, một trong những trụ cột của quan hệ đối tác Ấn Độ-ASEAN là hợp tác kinh tế. Hội nhập kinh tế sâu hơn với khu vực ASEAN năng động là một khía cạnh quan trọng trong chính sách “Hành động Hướng Đông”.

Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, chiếm hơn 10% tổng thương mại của Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ-ASEAN đã tăng từ 73,6 tỷ USD năm 2017 lên 80,8 tỷ USD năm 2018.

Quan hệ thương mại song phương giữa ASEAN và Ấn Độ vượt mốc 80 tỷ USD không chỉ thể hiện niềm tin ngày càng tăng mà còn là mức cao kỷ lục kể từ khi hiệp định thương mại tự do (FTA) Ấn Độ và ASEAN chính thức có hiệu lực vào năm 2010 và nếu mức tăng trưởng hai con số này tiếp tục, thương mại ASEAN-Ấn Độ có khả năng chạm tới 100 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên cũng đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ đến năm 2025 đạt 200 tỷ USD.

Đầu tư từ ASEAN sang Ấn Độ cũng đã tăng hơn 70 tỷ USD trong 17 năm qua, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ trong khi đầu tư của Ấn Độ sang ASEAN đạt hơn 40 tỷ USD.

Với Ấn Độ, việc phát triển quan hệ kinh tế-thương mại với các nước ASEAN giúp Ấn Độ đẩy mạnh hội nhập kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ đó duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định. Trong khi đó, tăng cường hợp tác với Ấn Độ cũng vô cùng quan trọng đối với Đông Nam Á. Ấn Độ chính là cửa ngõ để Đông Nam Á giao lưu với Trung Á, Trung Cận Đông, một vùng có vị trí chiến lược quốc tế và dầu lửa.

Hơn nữa, Ấn Độ và ASEAN với số dân khoảng 1,85 tỷ người, chiếm 1/4 dân số toàn cầu cùng tổng thu nhập quốc dân GDP đạt trên 3,8 nghìn tỷ USD, sẽ tạo ra một trong những không gian kinh tế lớn nhất thế giới. Không gian kinh tế chung này mở đường cho việc mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội trên toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước các thực tế này, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ tin tưởng rằng Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần này sẽ tiếp tục góp phần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/co-hoi-de-asean-an-do-phat-trien-manh-me-quan-he-doi-tac-chien-luoc-120216