Cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại EU

Sau nhiều khó khăn, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được Hiệp định về di cư và tị nạn mới.

Thỏa thuận ý chí hành động như một khối thống nhất là cơ hội để EU giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang đè nặng lên khu vực.

* Áp lực nặng nề với EU

Giai đoạn 2015-2016, EU chứng kiến làn sóng người di cư, chủ yếu là công dân Syria rời khỏi đất nước vì xung đột tại quê nhà. Trong năm 2015, khối này đã tiếp nhận 1,35 triệu đơn xin tị nạn. Một năm sau, con số đó là 1,25 triệu đơn.

Năm 2017, số lượng người nộp đơn đã giảm sau khi EU thực hiện thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế hoạt động vượt biên trái phép. Con số này thậm chí giảm đáng kể trong giai đoạn đỉnh của đại dịch COVID-19 là năm 2020 và 2021, khi các nước áp đặt hạn chế đi lại.

Người di cư trên đảo Lampedusa, Italy ngày 16/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Người di cư trên đảo Lampedusa, Italy ngày 16/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, di cư luôn là vấn đề nan giải của EU khi hàng triệu người từ nhiều nước chứng kiến bạo lực, xung đột gia tăng, bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế, nghèo đói tại Trung Đông, châu Phi và châu Á vẫn bất chấp nguy hiểm quyết định rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới.

Ngày 30/9, Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết lượng người di cư bất hợp pháp đến EU trong 6 tháng đầu năm 2023 là 132.370 người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Số người di cư lựa chọn tuyến đường Trung Địa Trung Hải để nhập cảnh trái phép vào châu Âu tăng hơn 30% và chiếm hơn 50% tổng số người di cư vào châu Âu.

Số đơn xin tị nạn cũng đang tăng trở lại. Cơ quan tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA) công bố số liệu chính thức cho thấy riêng trong năm 2022, số đơn đã tăng 53%, gây áp lực đối với nhiều quốc gia EU và số lượng người di cư nộp đơn xin tị nạn tại khu vực này trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo EUAA, trong 6 tháng đầu năm 2023, EU đã tiếp nhận 519.000 đơn xin tị nạn. Với xu hướng đó, dự báo trong năm nay, số lượng người xin tị nạn tại liên minh này có thể lên tới 1 triệu người.

* Italy và Hy Lạp vẫn là 2 điểm điểm đến hàng đầu

Là điểm đến hàng đầu của những người di cư từ châu Phi, Trung Đông và nhiều khu vực khác trên thế giới, Italy luôn kêu gọi các thành viên EU khác phối hợp ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp vào châu Âu và san sẻ gánh nặng người nhập cư. Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Nội vụ Italy, từ đầu năm 2023 đến nay đã có 127.207 người nhập cư bất hợp pháp đến Italy, gần gấp đôi so với 66.237 người ghi nhận cùng kỳ năm 2022 và cao gấp 3 lần so với con số năm 2021 (42.750 người). Hòn đảo Lampedusa của Italy trên Địa Trung Hải gần đây tiếp nhận hàng trăm con thuyền chật ních người di cư từ châu Phi, bao gồm 7.000 người trên 122 thuyền chỉ trong tuần gần nhất, nhiều hơn dân số thường trú trên đảo.

Người di cư chờ được giải cứu trên Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Sfax của Tunisia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người di cư chờ được giải cứu trên Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Sfax của Tunisia. Ảnh: AFP/TTXVN

Hy Lạp cũng là một trong những điểm đến của người di cư từ Trung Đông, châu Phi và châu Á trên đường vào các nước EU với hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp. Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 14.000 người đã đến Hy Lạp bằng đường bộ và đường biển trong 6 tháng đầu năm 2023, chiếm khoảng 1/10 tổng số chuyến vượt Địa Trung Hải thành công. Hầu hết trong số đó - khoảng 104.000 chuyến - là đến Italy.

Tại biển Địa Trung Hải, tuyến đường di cư chính vào EU từ các bờ biển Tunisia, Libya, một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới, nhiều người vẫn trao mạng sống của mình cho các băng đảng đưa người vượt biên bất hợp pháp vào EU, với hy vọng có cuộc sống tốt hơn ở quê nhà. Frontex - cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của EU - cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, số người di cư vượt biên qua Trung Địa Trung Hải đến châu Âu đã lên đến hơn 50.300 người tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Số người di cư thiệt mạng và mất tích đã tăng 33% trong 6 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

* Thách thức song không dễ giải quyết

Làn sóng di cư bất hợp pháp đã gây ra những hệ lụy lớn, trong đó cái giá đắt nhất chính là mạng sống, là thách thức của toàn châu Âu, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Tuy nhiên, di cư vẫn là vấn đề không dễ giải quyết của EU.

Ngày 8/6, EU đã đạt được thỏa thuận cho phép các quốc gia thành viên chia sẻ việc tiếp nhận số người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung lên tới 20.000 euro/người (21.826 USD/người) do EU quản lý để chăm sóc người di cư. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh ngày 1 và 2/7, lãnh đạo EU không đạt đồng thuận về vấn đề người di cư. Một số quốc gia như Italy, Hy Lạp hay Tây Ban Nha cho rằng họ phải chịu gánh nặng bất công khi là điểm đến chính của người di cư.

Cảnh sát Slovakia gác tại trạm kiểm soát tại khu vực biên giới gần Rajka (Hungary) và Cunovo (Slovakia). Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh sát Slovakia gác tại trạm kiểm soát tại khu vực biên giới gần Rajka (Hungary) và Cunovo (Slovakia). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Hungary và Ba Lan coi thỏa thuận này là xâm phạm chủ quyền quốc gia và cho rằng điều khoản trong thỏa thuận sẽ chỉ khuyến khích các làn sóng người di cư đến châu Âu cũng như tạo điều kiện cho nạn buôn người. Ba Lan và Hungary cũng phản đối đề xuất các nước EU có nghĩa vụ tiếp nhận người di cư nếu không sẽ phải đóng một khoản phí 20.000 euro mỗi người di cư.

Tranh cãi liên quan đến viện trợ nhân đạo và hoạt động cứu hộ trên biển cũng là trở ngại đối với cuộc đàm phán về chia sẻ việc tiếp nhận người di cư tại hội nghị diễn ra ngày 28/9 tại Brussels (Bỉ). Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự bất đồng giữa Đức và Italy, khiến hy vọng đạt được một thỏa thuận về giải quyết làn sóng người di cư trở nên mong manh. Ba Lan và Hungary tiếp tục phản đối thỏa thuận trên và từ chối tiếp nhận người di cư đến từ các nước Trung Đông và châu Phi.

* EU đạt được thỏa thuận về chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn

Tranh cãi đã ngăn cản thỏa thuận về di cư giữa các nước EU, nhưng khối này vẫn mong muốn hoàn thành thỏa thuận trước các cuộc bầu cử quan trọng ở Đức, Ba Lan và cuộc bỏ phiếu nghị viện toàn châu Âu vào năm 2024.

Vào ngày 4/10, Tây Ban Nha, quốc gia đảm nhận Chủ tịch luân phiên EU, cho biết các nước thành viên đã đạt được Hiệp định về di cư và tị nạn mới tại cuộc thảo luận xoay quanh một văn bản sửa đổi của thỏa thuận về cơ chế chia sẻ người tị nạn do Tây Ban Nha đề xuất. Cho dù, Ba Lan và Hungary vẫn là cá nước phản đối, tuy nhiên, EU vẫn có thể đạt được thỏa thuận nhờ đa số ủng hộ.

Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Tây Ban Nha nêu rõ đại sứ các nước EU đã nhất trí về một thỏa thuận giải quyết tình trạng khủng hoảng và những tình huống bất khả kháng liên quan đến vấn đề người di cư và tị nạn.

Hiệp định này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia nằm ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác. EU cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư nếu không muốn, thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận. Đồng thời, EU cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển. Bên cạnh đó, EU cũng kéo dài thời gian tối đa lưu giữ người di cư tại các trung tâm ở cửa khẩu so với mức 12 tuần hiện nay.

Vấn đề di cư chỉ có thể được giải quyết hiệu quả ở cấp độ châu Âu. Từ góc độ chính trị, hiệp định về di cư và tị nạn mới sẽ là một biểu tượng quan trọng, sau nhiều năm đối diện với cuộc khủng hoảng di cư./.

Thanh Lâm (tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-de-giai-quyet-cuoc-khung-hoang-di-cu-tai-eu/309882.html