Cơ hội để hộ kinh doanh lớn mạnh - Bài 2: Thay đổi để thích ứng
HNN - Sự thay đổi về chính sách sẽ mang lại những khó khăn trong giai đoạn đầu và việc thực thi các chính sách thuế hiện nay cũng không ngoại lệ. Vì thế, ngoài sự chủ động thay đổi, thích ứng, hộ kinh doanh (HKD) cần được đồng hành nhiều hơn từ các cơ quan, ban, ngành...

Cán bộ thuế hướng dẫn người nộp thuế
Chủ động nâng cao năng lực quản lý
Để các chính sách thuế mới này thực sự đi vào cuộc sống cần sự đồng hành của cơ quan thuế trong việc tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ về mặt chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, để thích ứng và phát triển bền vững, HKD cần chủ động nâng cao năng lực quản lý và từng bước chuyển đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu của sự phát triển.
Tại khóa đào tạo kế toán cho HKD do Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Tài chính - Kế toán - Thuế Hồng Đức tổ chức gần đây, một HKD trong lĩnh vực thủy sản chia sẻ: “Trước đây, khi nhập hàng hóa, chúng tôi thường không có thói quen ghi chép sổ sách đầy đủ. Tuy nhiên, khi chuyển sang hình thức kê khai thuế đòi hỏi phải ghi chép rõ ràng các hoạt động xuất nhập hàng, lưu trữ chứng từ … Vì vậy, tôi đã chủ động đăng ký tham gia lớp đào tạo ngắn hạn tại trung tâm để cập nhật kiến thức, nắm vững quy trình kế toán - thuế, giúp hoạt động kinh doanh thuận lợi và đúng quy định hơn".

Sở Tài chính phối hợp với Thuế thành phố Huế tổ chức tư vấn thuế cho hộ kinh doanh
Hiện, các trung tâm đào tạo kế toán, công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kế toán thuế, các hội, hiệp hội cũng đã bắt kịp nhu cầu này khi thời gian gần đây họ liên tục tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn hỗ trợ HKD tiếp cận với các chính sách thuế mới. Các khóa đào tạo này không chỉ cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý tài chính, kê khai thuế và lập báo cáo kế toán cho HKD; hướng dẫn cách sử dụng các phần mềm kế toán, lập hóa đơn, quản lý sổ sách, và xử lý các vấn đề liên quan đến thuế…, mà còn góp phần định hướng cho HKD lựa chọn mô hình phù hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế, Thuế thành phố cho rằng, HKD cần chủ động cập nhật thông tin pháp luật, đây là yếu tố tiên quyết trong giai đoạn hiện nay. HKD cũng cần theo dõi sát các hướng dẫn từ cơ quan thuế, đồng thời có thể tìm đến các tổ chức tư vấn, hiệp hội doanh nghiệp để được hỗ trợ giải đáp, tránh tình trạng bị động hoặc hiểu sai quy định. Việc minh bạch hóa sổ sách kế toán và doanh thu là điều kiện quan trọng để kê khai, nộp thuế chính xác, đồng thời tạo cơ sở nếu muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc chuyển đổi lên doanh nghiệp (DN). HKD nên xây dựng thói quen ghi chép, lưu trữ hóa đơn, chứng từ một cách đầy đủ, khoa học, đồng thời sẵn sàng tâm thế chuyển đổi mô hình khi phù hợp.
Đồng hành toàn diện
Không riêng cơ quan thuế hay các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thuế, các đơn vị cung ứng giải pháp hóa đơn cũng triển khai nhiều chính sách đồng hành cùng HKD trong giai đoạn đầu chuyển đổi mô hình quản lý thuế. Trong đó, VNPT chủ trương hỗ trợ khoảng từ 500 - 1.000 hóa đơn cho HKD lần đầu đăng ký sử dụng dịch vụ; miễn phí 6 tháng với dịch vụ phần mềm kinh doanh kế toán, chữ ký số và miễn phí 3 tháng với phần mềm quản lý bán hàng. Viettel cũng cam kết hỗ trợ miễn phí 6 tháng sử dụng dịch vụ quản lý kho hàng tự động, báo cáo doanh thu theo thời gian thực, bán hàng đa kênh và tại quầy, tích hợp hóa đơn điện tử, AI hỗ trợ bán hàng, quản lý nhân viên và khách hàng.

Công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kế toán thuế hỗ trợ hộ kinh doanh
Ngoài ra, trong bối cảnh các chính sách thuế đối với HKD ngày càng tiệm cận với mô hình DN, HKD chuyển đổi lên DN sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về thuế, tiếp cận vốn. Cụ thể, HKD khi đăng ký thành lập DN sẽ được miễn thuế thu nhập DN trong 3 năm đầu và miễn thuế thu nhập cá nhân khi chuyển phần vốn góp từ HKD sang công ty...
Theo Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế), ngày 10/12/2019 quy định “Một số chính sách hỗ trợ đối với DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, khi HKD chuyển đổi lên DN sẽ được hỗ trợ sử dụng chữ ký số công cộng, hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử, hỗ trợ chi phí thuê kế toán đối với DN siêu nhỏ chuyển đổi từ HKD và hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu giúp các DN mới thành lập giảm chi phí gia nhập thị trường, giảm chi phí tuân thủ.
Bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Tài chính thông tin, hiện thành phố đang triển khai khá nhiều chính sách hỗ trợ HKD chuyển đổi lên DN, trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ thuế, phí và lệ phí. Cụ thể, sở đã xây dựng chính sách hỗ trợ tối đa 50% chi phí mua máy tính tiền cho 5.000 HKD đầu tiên đăng ký áp dụng xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; miễn thuế thu nhập DN trong 3 năm đầu tiên; hỗ trợ 24 triệu đồng/DN để thuê kế toán trong 2 năm đầu. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng một số cụm công nghiệp tạo điều kiện để DN chuyển từ HKD thuê. Áp dụng chính sách ưu tiên cho DN chuyển đổi từ HKD tham gia chương trình, kế hoạch, dự án mua sắm công. Đồng thời, HKD khi chuyển đổi lên DN tiếp cận với các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh, quản trị DN cơ bản và chuyên sâu; hỗ trợ tư vấn 1:1 về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ.
Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ cho rằng, việc lựa chọn giữa DN hay HKD phụ thuộc vào quy mô, mục tiêu và khả năng tài chính của HKD. Nếu HKD có kế hoạch phát triển lớn, đa dạng ngành nghề và muốn có tư cách pháp nhân thì nên thành lập DN. Để HKD tự tin bước vào ngưỡng cửa “DN”, điều họ cần không chỉ là luật lệ rõ ràng, mà là "bàn tay chìa ra" từ chính quyền, hiệp hội, ngành thuế và các tổ chức hỗ trợ. Chính sách sẽ không còn là rào cản, nếu nó được truyền thông đúng cách, triển khai linh hoạt và sát thực tế. Khi ấy, HKD sẽ hiểu rằng, chuyển đổi không phải là mất đi sự tự do, mà là bước ra thị trường một cách tự tin và bền vững.