Cơ hội để Mường Động bứt phá

Mường Động - Kim Bôi là 1 trong 4 vùng Mường lớn sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa đậm đà, có nguồn nước khoáng quý giá là những lợi thế riêng có. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2230 về phê duyệt đồ án Quy hoạch (QH) xây dựng vùng tỷ lệ 1/25.000 huyện Kim Bôi đến năm 2040. Theo đó, toàn bộ địa giới hành chính huyện Kim Bôi được định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái nông nghiệp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… mở ra cơ hội rất lớn để địa phương bứt phá mạnh mẽ.

Huyện Kim Bôi được định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái nông nghiệp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong ảnh: Hạ tầng giao thông thị trấn Bo được đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Huyện Kim Bôi được định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái nông nghiệp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong ảnh: Hạ tầng giao thông thị trấn Bo được đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện tăng cường phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ lập QH trên địa bàn đồng bộ với quy hoạch ngành, lĩnh vực để tích hợp vào quy hoạch chung (QHC) của tỉnh, làm căn cứ để quản lý QH, khai thác hiệu quả các lợi thế tạo sự phát triển bền vững. Huyện tổ chức lập 32 đồ án QH, trong đó có đồ án QH xây dựng vùng huyện đến năm 2040, 1 đồ án QHC đô thị thị trấn Bo đến năm 2045, 29 đồ án QH phân khu, 1 đồ án QH chi tiết.

Là vùng trọng điểm phát triển đô thị, du lịch của tỉnh, thời gian qua, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách để hỗ trợ huyện Kim Bôi phát triển. Trên địa bàn huyện có 2 dự án trọng điểm gồm: Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), tuyến từ xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) đến trung tâm huyện Kim Bôi có tổng mức đầu tư trên 4.200 tỉ đồng; dự án quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại xã Kim Bôi và xã Cuối Hạ có tổng mức đầu tư trên 6.600 tỉ đồng, quy mô diện tích khoảng 189ha. Huyện đã huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 2 dự án này. Dự kiến khi hoàn thành và đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội - TP Hòa Bình - Kim Bôi, nâng cao khả năng giao thương giữa Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La; khai thác tiềm năng mỏ nước khoáng Kim Bôi, tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao, mở ra không gian phát triển rộng lớn của tỉnh và khu vực.

Trên địa bàn huyện có 25 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, một số dự án đang triển khai như: Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Venus Resort do Công ty CP khoáng sản Hòa Bình đầu tư, quy mô gần 4ha tại xóm Cốc, xã Vĩnh Đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2024; quần thể du lịch văn hóa, dịch vụ nghỉ dưỡng tại huyện Lạc Sơn và huyện Kim Bôi do Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời đầu tư thực hiện tại xã Cuối Hạ; dự án Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi tại xóm Mớ Đá, thị trấn Bo do Công ty CP Tập đoàn Apec thực hiện nhằm đem đến sản phẩm nghỉ dưỡng trị liệu khoáng nóng 5 sao…

Theo Quyết định số 2230 của UBND tỉnh về phê duyệt đồ án QH xây dựng vùng tỷ lệ 1/25.000 huyện Kim Bôi đến năm 2040, phạm vi, ranh giới lập QH là toàn bộ địa giới hành chính huyện Kim Bôi với tổng diện tích tự nhiên 551,28 km2, 17 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 16 xã), có kết nối với các huyện lân cận trong bối cảnh phát triển tổng thể chung toàn tỉnh Hòa Bình. Tổng dân số hiện trạng năm 2020 trong phạm vi lập QH là 120,1 nghìn người. Dự báo quy mô dân số cư trú đến năm 2030 khoảng 145 nghìn người, trong đó dân số đô thị khoảng 50,8 nghìn người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35%. Dân số tăng thêm trong giai đoạn 2020 - 2030 là 24,9 nghìn người. Đến năm 2040, dự báo tỷ lệ tăng dân số 1,7%, dân số vùng lập QH khoảng 171,6 nghìn người, dân số đô thị khoảng 77,2 nghìn người. Tỷ lệ đô thị hoákhoảng 45%. Dân số tăng thêmtrong giai đoạn 2030 - 2040 là 26,6 nghìn người.

Không gian vùng huyện được phân chia thành 3 tiểu vùng: tiểu vùng 1 gồm 2 xã (Đú Sáng, Tú Sơn) và đô thị Bãi Chạo (bao gồm 3 xã: Vĩnh Tiến, Đông Bắc, Bình Sơn và một phần xã Tú Sơn), phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sức khỏe gắn với nguồn nước khoáng nóng, du lịch văn hóa, cụm công nghiệp sạch, trang trại. Tiểu vùng 2 (trung tâm huyện) gồm 4 xã (Hợp Tiến, Xuân Thủy, Kim Lập, Hùng Sơn) và thị trấn Bo (bao gồm thị trấn Bo cũ và khu vực dự kiến mở rộng thuộc xã Vĩnh Đồng, xã Kim Bôi), phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, khai thác gắn với nguồn tài nguyên nước khoáng nóng; phát triển lâm nghiệp và du lịch sinh thái rừng. Tiểu vùng 3 gồm 3 xã (Cuối Hạ, Nuông Dăm, Mỵ Hòa) và đô thị Bãi Xe (bao gồm 2 xã: Nam Thượng, Sào Báy), phát triển nông nghiệp sạch, du lịch nghỉ dưỡng, sức khỏe gắn với nguồn nước khoáng nóng, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch trải nghiệm.

Các chương trình ưu tiên đầu tư: Xây dựng kế hoạch thực hiện đồ án QH xây dựng vùng, trong đó đề xuất nội dung kế hoạch lập các đồ án QHC: QHC đô thị Bo, QHC đô thị Bãi Chạo; QHC đô thị Bãi Xe (Nam Thượng); QHC xây dựng khu vực hai bên trục đường liên kết vùng; QHC khu chức năng phát triển thương mại dịch vụ và du lịch phía Tây; QHC khu chức năng phát triển thương mại dịch vụ phía Đông; QHC khu chức năng hỗn hợp phía Nam; QHC khu chức năng phát triển dịch vụ du lịch Hợp Tiến; các đồ án QH phân khu, QH chi tiết trong khu vực đô thị, khu chức năng... Nắm bắt thời cơ, thuận lợi, huyện Kim Bôi phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, đơn vị liên quan đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực nghiên cứu, triển khai dự án lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị sinh thái.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/183358/co-hoi-de-muong-dong-but-pha.htm