Cơ hội để nuôi trồng thủy sản phát triển

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 97 giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực và 56 giấy phép NTTS trên biển (phạm vi 6 hải lý). Đây là giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, đáp ứng yêu cầu của thị trường về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cấp giấy xác nhận

Sở hữu diện tích mặt biển rộng, cộng với môi trường thuận lợi, huyện Lý Sơn có điều kiện phát triển nghề NTTS, trở thành vùng NTTS trên biển trọng điểm của tỉnh. Các đối tượng chủ lực đang được nuôi ở Lý Sơn là tôm hùm và cá biển. Việc cấp giấy phép NTTS trên biển giúp người dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ, trong đó có việc chuyển lồng bè bằng gỗ sang nhựa HDPE, nhằm gia tăng hiệu quả nuôi trồng.

Ông Nguyễn Lợi, thôn Tây An Hải cho biết, sau khi được cấp giấy phép đăng ký NTTS trên biển, cộng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản trên biển bằng vật liệu HDPE, tôi mạnh dạn thả nuôi 1.000 con cá bớp giống. Sau 9 tháng, tôi thu được trên 3,5 tấn cá bớp thương phẩm, lãi ròng gần 200 triệu đồng. Cùng với ông Lợi, hầu hết các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Lý Sơn đều đã được cấp giấy phép NTTS trên biển.

Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè vật liệu HDPE ở huyện Lý Sơn. Ảnh: Mỹ Hoa

Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè vật liệu HDPE ở huyện Lý Sơn. Ảnh: Mỹ Hoa

Ông Nguyễn Hoàng Phương, xã Bình Dương (Bình Sơn) cho biết, có giấy xác nhận, người nuôi tôm cá yên tâm và mạnh dạn đầu tư cải tạo ao đìa, trang bị máy móc và thiết bị, từng bước nâng cao hiệu quả nuôi trồng.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh sẽ thẩm định, cấp giấy xác nhận NTTS lồng bè, các đối tượng thủy sản chủ lực. Qua đó tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành NTTS trên biển phù hợp, hướng tới khai thác tiềm năng NTTS quy mô công nghiệp tại các khu vực biển xa bờ.

Vẫn còn vướng mắc

Một trong những vướng mắc hiện nay là chưa có tổ chức, cá nhân nào trên địa bàn tỉnh được cấp giấy xác nhận NTTS lồng bè trên biển, vì vậy các chủ thể không có mã số vùng nuôi thủy sản. Nguyên nhân là các địa phương trong tỉnh chưa thực hiện việc giao hoặc hợp đồng cho thuê khu vực biển đối với các tổ chức, cá nhân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, theo quy định, việc giao hoặc hợp đồng cho thuê khu vực biển đối với các tổ chức, cá nhân phải căn cứ vào quy hoạch không gian biển quốc gia cùng với quy hoạch của địa phương về sử dụng khu vực biển. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch không gian biển quốc gia trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến, nên địa phương cũng không có cơ sở, căn cứ để giao hoặc hợp đồng cho thuê khu vực biển.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 tổ chức, cá nhân NTTS lồng bè ở các sông, hồ thủy lợi, thủy điện nhưng chưa đến 10% được cấp giấy xác nhận. Vì vậy, sản lượng thủy sản nuôi lồng bè của tỉnh chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa, giá trị cạnh tranh thấp do chưa đáp ứng các yêu cầu về mã số vùng nuôi phục vụ truy xuất nguồn gốc. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, các tổ chức, cá nhân chưa được cấp giấy xác nhận NTTS lồng bè, đối tượng thủy sản chủ lực phần lớn là do hồ sơ không đảm bảo, chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất, mặt nước để NTTS; hoặc chưa có giấy phép NTTS trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện.

Hiện Chi cục Thủy sản tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị cấp thẩm quyền thực hiện giao hoặc hợp đồng cho thuê khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân, làm cơ sở để cấp giấy xác nhận NTTS lồng bè trên biển. Đồng thời, xây dựng hạn mức NTTS lồng bè trên biển ở mỗi khu vực, địa phương, nhằm hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202401/co-hoi-de-nuoi-trong-thuy-san-phat-trien-680105e/