Cơ hội để Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá, là một trong ba trụ cột chính để phát triển kinh tế. Theo khảo sát, tỉnh Quảng Trị có khả năng phát triển khoảng 10.000MW điện từ các dự án năng lượng. Đây là cơ sở để Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt coi trọng đầu tư xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân phát triển công nghiệp. Tại đây hiện đã có 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đề xuất đầu tư, trong đó dự án Nhà máy Điện khí 340 MW của Công ty Gazprom của Nga đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch vào điện lực quốc gia và chỉ định nhà đầu tư; dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 4.500 MW và Nhà máy Điện khí Hải Lăng 1 công suất 1.500 MW đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, riêng dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng đã được Thủ tướng đồng ý bổ sung giai đoạn 1 là 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hiện đang triển khai các thủ tục đầu tư. Đây là dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và các đối tác làm chủ đầu tư dự kiến triển khai ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trên diện tích đất sử dụng là 140 ha và 100 ha mặt nước. Tổng công suất phát điện là 4.500MW, trong đó giai đoạn 1 là 1.500MW, giai đoạn 2 là 3.000MW. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án đi vào vận hành từ năm 2026-2027; giai đoạn 2 vận hành sau năm 2030. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4,5 tỉ USD. Nguồn điện sau khi dự án đi vào vận hành khoảng 27 tỉ kWh, góp phần nâng cao tỉ lệ dự phòng công suất và giảm thiểu nguy cơ thiếu điện của cả nước. Nguồn khí cung cấp cho dự án này có tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng. Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng là dự án lớn nhất tỉnh Quảng Trị từ trước đến nay nên Chính phủ giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể các nội dung về địa điểm, công nghệ sử dụng, nguồn khí cung cấp cho các giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, có tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi Quảng Trị như Kèn Bầu-lô 114, Báo Vàng-lô 113...
Thực tế cho thấy việc triển khai nhiều dự án Điệnkhí LNG đã mở ra cơ hội lớn cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000 - 19.000 MW. Đồng thời, trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 đến 4 tỉ m3/năm cho giai đoạn 2021 - 2025, tăng lên 6 đến 10 tỉ m3 /năm cho giai đoạn 2026-2035. Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…Tuy nhiên, Điện - khí LNG là chuỗi các dự án liên kết chặt chẽ đồng bộ từ các khâu nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí, xây dựng cơ sở hạ tầng chính gồm cảng tiếp nhận LNG, bồn chứa LNG, cơ sở tái hóa khí LNG và các đường ống dẫn khí đến nhà máy điện để tiêu thụ...Vậy nên, điều tiên quyết là tỉnh Quảng Trị phải chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, chủ động triển khai đồng bộ các dự án phụ trợ mà trọng tâm là dự án Cảng biển Mỹ Thủy một khi các dự án năng lượng đi vào hoạt động ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Một tín hiệu khả quan là sau khi được Chính phủ chấp thuận bổ sung Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thì Công ty Năng lượng ENI Việt Nam thuộc Tập đoàn Năng lượng dầu khí ENI đóng tại Roma (Italia) đã đến khảo sát, tìm hiểu về Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cùng nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng ENI Việt Nam Luca Dragonetti cho biết, năm 2019 Công ty Năng lượng ENI Việt Nam đã tiến hành khảo sát, thăm dò mỏ Kèn Bầu trên thềm lục địa Việt Nam, cách tỉnh Quảng Trị khoảng 65km ước tính trữ lượng khí tự nhiên sơ bộ khoảng 230 tỉ mét khối khí và 450 triệu thùng khí ngưng tụ condensate. Từ kết quả giếng khoan thăm dò trong năm 2019 và 2020 đã khẳng định hệ thống dầu khí tại khu vực cấu tạo Kèn Bầu nói riêng, khu vực lô 114 và các lô phụ cận tính đến thời điểm này là phát hiện lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam. Phát hiện tại Kèn Bầu có thể đưa vào khai thác trong vài năm tới mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ cho các hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tiếp theo tại lô 114 và các khu vực lân cận mà góp phần phát triển ngành công nghiệp điện khí, các sản phẩm từ khí tại khu vực Quảng Trị và miền Trung. Với kết quả này, công ty và đối tác đang triển khai thẩm lượng tổng thể mỏ Kèn Bầu để nghiên cứu kế hoạch cung cấp khí tự nhiên, phát triển các dự án năng lượng tại Việt Nam nói chung và ở tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, với quyết tâm đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung, tỉnh cam kết sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư trong, ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư. Riêng với Công ty Năng lượng ENI Việt Nam, tỉnh Quảng Trị sẽ tạo mọi điều kiện để hai bên có mối quan hệ hợp tác đạt hiệu quả nhất. Về phía tỉnh Quảng Trị sẽ ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, thông thoáng để hỗ trợ nhà đầu tư. Vì thế, tỉnh Quảng Trị đặt rất nhiều kỳ vọng về những dự án điện khí kết hợp khai thác các mỏ khí ở ngoài khơi Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng thành công sẽ tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trên cơ sở nhận được sự ủng hộ của Trung ương, lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng với sự hợp tác tích cực của tỉnh, hy vọng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sẽ là nơi tiếp bờ cho mỏ khí Kèn Bầu, góp phần đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung vào năm 2030, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng lợi thế về năng lượng sạch, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội, xây dựng Quảng Trị phát triển toàn diện, bền vững.