Cơ hội để xuất khẩu khởi sắc
Cùng với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, các hiệp định thương mại tự do được thực thi là cơ hội để xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2020 có nhiều khởi sắc. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để làm rõ thêm vấn đề này.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước 6 tháng đầu năm 2020 đạt 42,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019.
- Ông đánh giá thế nào về hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 dưới tác động của dịch Covid-19?
- Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,5 tỷ USD, giảm 34,5%; hàng dệt may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giày dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%... Như vậy, 6 tháng qua, hoạt động xuất khẩu đã chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19.
Tuy nhiên chúng ta cũng nhìn nhận một số điểm tích cực. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước 6 tháng đầu năm 2020 đạt 42,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019. Với lợi thế là quốc gia sớm kiểm soát tốt dịch bệnh, xuất khẩu nước ta đang trên đà hồi phục khi kim ngạch xuất khẩu tháng 6-2020 đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,6% so với tháng 5-2020. Về thị trường, theo số liệu thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 14,5%, sang Trung Quốc tăng 18,7%, sang Peru tăng 4,8%, Chile tăng 20,3%...
- Từ thực tế nêu trên, ông có thể phân tích rõ hơn những tác động ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu?
- Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Khi làn sóng thứ 2 của dịch bệnh xuất hiện tại châu Âu và nhiều quốc gia, cầu tiêu dùng dự báo khó hồi phục trong ngắn hạn. Hàng hóa còn tồn kho, hoạt động du lịch, lễ hội, giải trí… dừng lại kéo tiêu dùng giảm theo, khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đình trệ, đơn hàng của doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc bị hủy. Chưa kể, hoạt động giao thương, vận tải, thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là qua các cửa khẩu biên giới đất liền gặp nhiều khó khăn. Ở trong nước, sau thời gian ngắn tái khởi động nền kinh tế, các doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt nhịp vào giai đoạn “bình thường mới”, song sẽ mất nhiều thời gian để có thể khôi phục lại công suất như trước đại dịch.
- 6 tháng cuối năm 2020, dự báo hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ ra sao khi tác động tiêu cực của dịch Covid-19 “ngấm” vào nền kinh tế toàn cầu, thưa ông?
- 6 tháng cuối năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với quý II-2020 khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa kinh tế.
Bên cạnh đó, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1-8 giúp chúng ta tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với dân số hơn 508 triệu người. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế lớn từ việc giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng các yếu tố khó lường như mất việc làm, thu nhập giảm... Điều này khiến nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm nhập khẩu khó có thể sớm cải thiện.
- Vậy, chúng ta cần làm gì để tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng trở lại, thưa ông?
- Thời gian qua, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Chính phủ nhiều giải pháp không chỉ để tháo gỡ khó khăn cho giao thương, xuất khẩu mà còn hướng tới duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giảm sức ép cho xuất khẩu, tăng cường kiểm soát thị trường… Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến EVFTA đã và đang được Bộ Công Thương tích cực triển khai nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, đồng thời giúp doanh nghiệp hiểu rõ và tận dụng cơ hội, khai thác tốt thị trường.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và có nhiều giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.
Các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường, nội dung của các hiệp định thương mại tự do để chủ động sản xuất, xuất khẩu; đồng thời nắm vững các cam kết về thuế quan và quy tắc xuất xứ, từ đó điều chỉnh quy trình sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút đầu tư trực tiếp, tận dụng hiệu quả nguồn vốn và công nghệ, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/973205/co-hoi-de-xuat-khau-khoi-sac