Cơ hội gia tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Hala

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025, một trong những mục tiêu chính là phát triển thị trường, nhất là mở cửa các thị trường mới còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal.

Nhiều nông sản phù hợp nhu cầu của người Hồi giáo

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức gần 1.700 tỷ USD vào năm 2025. Đây là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như có sự đầu tư bài bản, hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, cơ bản phù hợp và hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal như thủy sản, rau quả, thực phẩm chăn nuôi, cà phê, gạo, trà…

Thực tế theo thống kê, hiện nay rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Halal đạt khoảng 150 triệu USD/năm, tương đương với kim ngạch tại thị trường châu Âu. Trong khi đó, nếu xét về quy mô dân số thị trường Halal đông gấp 4 lần châu Âu - với khoảng 2 tỷ người.

Bên cạnh đó, tính đến nay, có khoảng 50% lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông và châu Phi là sản phẩm Halal. Các mặt hàng thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến Halal cũng chiếm khoảng 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang khu vực này.

Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chỉ có xuất khẩu được khoảng 20 mặt hàng cho thị trường Hala. Ảnh: TL

Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chỉ có xuất khẩu được khoảng 20 mặt hàng cho thị trường Hala. Ảnh: TL

Ngoài ra, những cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia cầm đạt chứng nhận Halal ngày càng hiện diện nhiều trên cả nước, nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ. Hiện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã liên hệ đàm phán với 2 thị trường Hồi giáo là Nigeria và Saudi Arabia và cũng đang trong quá trình khơi thông xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang nhiều thị trường Hồi giáo khác.

Hơn nữa, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hợp tác để xuất khẩu các sản phẩm vào thị trường Hala. Ví dụ, cuối tháng 11/2024, Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn Olmix (Pháp) đã ký kết biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn Halal.

Bộ NN&PTNT nhận định với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông sản mỗi năm, cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như có sự đầu tư bài bản, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.

“Chinh phục được thị trường khó tính nhiều tiềm năng như Halal, khả năng xuất khẩu của chúng ta với quy mô với giá trị sẽ lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn hiện nay” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.

Chứng nhận Hala - chìa khóa mở cánh cửa thị trường

Mặc dù thị trường Halal đang mở ra cơ hội lớn cho nông sản và thủy sản, nhưng để tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp Việt cần vượt qua rào cản về chứng nhận Halal. Mặc dù số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận Halal đang tăng lên, nhưng so với quy mô thị trường và tiềm năng của các sản phẩm Việt, con số này vẫn còn khiêm tốn.

Theo các doanh nghiệp, việc cấp chứng nhận Halal vẫn là một trong những thách thức lớn khi các tiêu chuẩn không đồng nhất giữa các quốc gia Hồi giáo. Chứng nhận Halal - yêu cầu cơ bản dành cho các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe như không được sử dụng chất cấm mà đạo Hồi quy định trong quá trình sản xuất, hay chăn nuôi động vật, cần đảm bảo sự nhân đạo...

Ngoài ra, các sản phẩm của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác vốn đã có chỗ đứng trên thị trương này.

Nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Hala. Ảnh: TL

Nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Hala. Ảnh: TL

Vì vậy, chìa khóa để doanh nghiệp mở cánh cửa vào thị trường này, không gì khác chính là chứng nhận Halal; cạnh đó các doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị tốt, cần nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng và thế mạnh của mình để không bỏ lỡ cơ hội lớn từ thị trường tiềm năng này.

Với phương châm bán những sản phẩm thị trường cần, các doanh nghiệp và ngành nông nghiệp đang nỗ lực từng bước vượt qua thách thức để khai phá thị trường Halal tuy còn mới mẻ nhưng lại tiềm năng.

Đến nay, Việt Nam đã ký 6/17 hiệp định thương mại tự do có liên quan đến Halal. Đây cũng có thể là một lợi thế giúp doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Halal như: De Heus Việt Nam, C.P. Việt Nam… Bộ đã họp bàn với các doanh nghiệp để tìm các giải pháp để "bước vào" các thị trường mới, duy trì quy mô, có đà tăng trưởng năm 2025.

Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Bộ NN&PTNT), để kinh doanh thành công tại thị trường Halal, các doanh nghiệp cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa tiêu dùng tại từng thị trường xuất khẩu.

Sắp tới, cơ quan này sẽ lập riêng trang thông tin điện tử về thị trường Halal, giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt tìm hiểu kỹ hơn về cách thức đưa sản phẩm vào thị trường này.

“Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan của Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương để phổ biến, cập nhật các quy định của thị trường Halal đến các doanh nghiệp và các bên liên quan mà chúng ta cần quan tâm” - ông Ngô Xuân Nam nói.

Thị trường Halal toàn cầu, với hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng, trị giá hơn 2.000 tỷ USD và ước tính sẽ tăng lên 2.800 tỷ USD trong những năm tới. Theo hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research, giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt hơn 2.500 tỷ USD trong năm nay và sẽ tăng lên mức 4.900 tỷ USD vào năm 2031, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường này.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-hoi-gia-tang-xuat-khau-nong-san-viet-nam-sang-thi-truong-hala-170752.html