Cơ hội 'gọi vốn' trong kỷ nguyên xanh và số
Năm 2025 kinh tế toàn cầu được kỳ vọng bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam với các nền kinh tế lớn mang nhiều kỳ vọng.
Năm 2025 kinh tế toàn cầu được kỳ vọng bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ với nhiều sự kiện định hình tương lai kinh tế những năm tới. Theo đó, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam với các nền kinh tế lớn mang nhiều kỳ vọng, nhưng cũng dự báo mở ra những cơ hội lớn đi kèm thách thức. Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà đầu tư tại Diễn đàn Shark Tank Forum 2025: “Tăng trưởng bền vững – đón sóng đầu tư trong kỷ nguyên xanh”, do TVHub - Nhà sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam và VTV Digital phối hợp tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15/1.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, kinh tế Việt Nam được dự báo đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, với hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa từng bước phục hồi giúp cộng đồng kinh doanh và khởi nghiệp bước sang năm 2025 trong tâm thế nhiều kỳ vọng tích cực. Trước bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô, với các xu hướng nổi bật đang tác động thị trường như chuyển đổi xanh, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), cách thức tăng trưởng doanh thu dựa vào sức bật của nền kinh tế số... dự kiến sẽ tác động và tạo ra những thay đổi trong khẩu vị của nhà đầu tư sau "mùa đông gọi vốn".
Cụ thể, xu hướng “chuyển đổi xanh” đang tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi để không bị loại khỏi “cuộc chơi” trong tương lai. Đồng thời, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược, hướng đi cân bằng giữa áp lực phát triển ngắn hạn và mục tiêu phát triển bền vững dài hạn. Còn AI không chỉ thay đổi cách thức doanh nghiệp hoạt động, mà đang định hình lại kỳ vọng của giới đầu tư và con đường phát triển của các startup, cũng như doanh nghiệp.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, phát triển bền vững là xu hướng không thể thay đổi, nhất là tính đến nay nhiều ngân hàng cũng đã bổ sung phát triển bền vững vào điều khoản cho vay. Đồng thời, phát triển bền vững không phải điều gì xa xôi mà đã gõ cửa doanh nghiệp, người dân Việt Nam, do đó startup phải đọc hiểu và thực hành để bắt kịp xu hướng “chuyển đổi xanh” đang diễn ra mạnh mẽ trong nước lẫn toàn cầu.
Mặt khác, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề rất quan trọng mà doanh nghiệp cần quan tâm hàng đầu trong hiện tại và tương lai. Nếu trước đại dịch COVID-19, trên quầy kệ hàng bán lẻ thì sản phẩm không ghi các chứng nhận an toàn thực phẩm, nhưng sau đại dịch đã dẫn đến sự thay đổi, đòi hỏi sản phẩm trên kệ cần ghi đầy đủ chứng nhận.
Đặc biệt, nên làm thế nào để áp dụng AI vào các mô hình kinh doanh truyền thống hoặc xây dựng, phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên AI cũng là bài toán không dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hay tận dụng sức bật của nền kinh tế số như con đường ngắn nhất để startup non trẻ sở hữu những ý tưởng đột phát thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh phía trước là một trong những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt để thành công.
Dẫn chứng cụ thể ở lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech chỉ ra rằng, nhiều xu hướng mới có thể tác động đến thị trường và doanh nghiệp thương mại điện tử trong thời gian tới. Điển hình, khái niệm mua rẻ bán đắt không còn nữa, mà sẽ thay vào đó là phương thức mua bán từ gốc đến ngọn và sự thay đổi này đang “giết chết” rất nhiều doanh nghiệp.
Bởi doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng giá rẻ từ một số nước như Trung Quốc, hay từ chợ đầu mối rồi bán ở mặt phố sẽ không còn cơ hội kinh doanh, vì thương mại điện tử phát triển và hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc bán đến tận tay người tiêu dùng với giá có khi chỉ bằng 1/5 sản phẩm tại Việt Nam. Cùng với đó, thời gian giao hàng của doanh nghiệp Trung Quốc lại rất ngắn, nên những tiểu thương Việt Nam nhập hàng từ Trung Quốc rồi bán giá gấp 4-5 lần đã và đang bị cạnh tranh gay gắt, cũng như đối mặt với nguy cơ chết dần, chết mòn.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, thương mại điện tử được bình định bởi các sàn lớn và sàn thương mại thì người bán cũng bị siết khoản phí và tiêu chí gắt gao hơn. Ở Trung Quốc, có những trường hợp thì những khoản phí liên quan có thể chiếm lên tới 40% doanh thu của sản phẩm. Ngoài ra, khi người bán gặp phải môi trường ngày càng khắc nghiệt và không có dữ liệu khách hàng, họ bắt đầu có xu hướng tách sàn để có được dữ liệu khách hàng của chính họ.
Trước thực tế này, doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường thương mại điện tử cần chuyên nghiệp hóa quá trình vận hành, trong đó kho vận, logistics là rất quan trọng, bởi nếu người bán chậm giao hàng hay bị khách hàng đánh giá 1 sao thì ảnh hưởng đến vận hành của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi sàn thương mại cạnh tranh quá khắc nghiệt, thì doanh nghiệp cần chủ động đa kênh bán hàng để có dữ liệu khách hàng riêng để bám trụ được thị trường và đây cũng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong tương lai.
Tại diễn đàn, một số nhà đầu tư cũng chia sẻ những lĩnh vực hấp dẫn mà họ mong muốn ưu tiên rót vốn vào, có thể kể đến như giải trí, giáo dục, y tế, thời trang, mỹ nghệ, hàng tiêu dùng nhanh... Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng hướng đến các startup D2C (direct to customers) - doanh nghiệp sản xuất hoặc gia công rồi bán hàng trực tiếp đến khách hàng, cũng như có thể bán online vì đây được đánh giá là xu hướng của tương lai; hay tìm kiếm doanh nghiệp chưa niêm yết và không chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam, doanh nghiệp truyền thống nhưng đẩy mạnh áp dụng công nghệ...
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-goi-von-trong-ky-nguyen-xanh-va-so/360282.html