Cơ hội lớn cho trái vải thiều Việt Nam
Là người con của quê hương Thanh Hà, Hải Dương, tôi vui mừng được biết, hơn 6.000 tấn vải thiều đầu tiên trong vụ vải này của quê tôi đã được xuất khẩu đi Mỹ, Australia và Singapore bằng đường biển trong chiều qua (25-5).
Qua tìm hiểu tôi biết rằng, năm nay, vải thiều của Việt Nam sẽ được xuất khẩu chủ yếu bằng đường biển do đây là cách vận chuyển với khối lượng lớn, dễ thông thương và đặc biệt là có chi phí thấp. Đáng mừng hơn nữa là năm nay, lô vải thiều đi Australia sẽ được chiếu xạ ngay tại Hà Nội, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Ngoài ra, tại Hải Dương, đã có hơn 30 thương lái thu mua vải đạt tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu đi Trung Quốc với số lượng 500-800 tấn vải/ngày... Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết, ngày mai (27-5), phía bạn sẽ hoàn tất thủ tục cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra hệ thống xử lý và giám sát các lô vải trước khi xuất khẩu. Hiện Việt Nam cũng đã hoàn tất mọi công đoạn chuẩn bị để xuất khẩu vải sang Nhật, từ cấp mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói đến xử lý xông hơi, khử trùng...
Rõ ràng, việc xuất khẩu trái vải tươi của Việt Nam đến những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới này đã mở ra “những cánh cửa mới” cho mặt hàng này; đồng thời còn giúp đa dạng hóa thị trường cho trái vải thiều; giúp người nông dân tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, nâng cao thu nhập...
Điều này đòi hỏi mỗi người nông dân cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, bảo đảm vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP để đáp ứng được yêu cầu các thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là vải thiều, để doanh nghiệp đồng hành cùng người dân sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, bảo đảm chất lượng đồng đều và bền vững lâu dài.
Tôi cho rằng, để trái vải thiều nhanh chóng đi sâu vào thị trường các nước, bên cạnh các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sức khỏe do mỗi quốc gia đặt ra, cần tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh trái vải thiều Việt Nam ra các thị trường mới. Cùng với đó, cũng cần đẩy mạnh hoạt động thương mại cho sản phẩm vải khô hay vải đóng hộp, nhằm tạo thêm các giá trị thặng dư trong nước, giảm chi phí vận chuyển, đưa vải thiều Việt Nam đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu... Đây là hướng đi bền vững để khắc phục vấn đề mùa vụ của mặt hàng nông sản này. Có như vậy, những trái vải tươi ngon của Việt Nam sẽ dần có vị thế và chỗ đứng tại thị trường thế giới.
LÊ THANH (Thanh Hà, Hải Dương)
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/co-hoi-lon-cho-trai-vai-thieu-viet-nam-618948