Cơ hội luôn thường trực nhưng hãy cẩn trọng
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ chia sẻ góc nhìn như vậy về nhịp chỉnh của thị trường chứng khoán vừa qua.
Với những biến động gần đây trên thị trường, ông nhìn nhận ra sao về cơ hội đầu tư tại Việt Nam? Quỹ A+ đã sắp đến giai đoạn đóng quỹ mới chưa?
Gần đây, chúng ta nói nhiều đến việc nếu thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thành công lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn MSCI và FTSE thì sẽ đón nhận 25 tỷ USD dòng vốn đầu tư tính đến năm 2030.
Các phương tiện truyền thông cũng nhắc nhiều đến góc nhìn có vẻ trái ngược với kỳ vọng, đó là nhà đầu tư nước ngoài vẫn mạnh tay bán ra trên thị trường niêm yết. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các sàn cổ phiếu Việt Nam hiện vào khoảng 14%; trong khi năm 2018, con số này là khoảng 22%. Dù vậy, việc khuếch đại thông tin đã tạo những tâm lý không tích cực tới nhà đầu tư. Nếu chia con số 8.000 tỷ đồng/tháng mà khối ngoại bán ròng, tương đương mỗi ngày là hơn 300 tỷ đồng thì cũng chẳng quá đáng lo ngại. Nhưng thực tế này cũng cho thấy một vấn đề trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là thiếu những câu chuyện mới, hàng hóa mới, doanh nghiệp tiềm năng để hấp dẫn khối ngoại.
Tất nhiên, có kẻ đến và người đi. Nhưng thị trường chứng khoán cũng như một quán ăn, nếu thực đơn không được cải tiến, món ăn không đa dạng, chất lượng bình thường thì khách vào ăn một lần cũng khó quay lại lần hai.
Với Quỹ A+, chúng tôi chú trọng đến đầu tư tư nhân, tức là những thương vụ có khoản đầu tư hơn 10 triệu USD/doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi không quan tâm tới khu vực khởi nghiệp mà hướng đến các doanh nghiệp có quy mô doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng trở lên, đã hoạt động được 6 - 7 năm. Lọc từ vài trăm doanh nghiệp trên thị trường, Quỹ đã gạn lại được khoảng 15 - 20 doanh nghiệp để đi sâu tìm hiểu. Chúng tôi dự kiến sẽ đóng quỹ và bắt đầu giải ngân vào đầu năm 2025.
Với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ như ông đề cập, A+ lọc được số lượng doanh nghiệp không nhiều. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Tiềm năng thị trường Việt Nam với hơn 100 triệu dân là không thể bàn cãi. Tôi đã trải qua gần 30 năm sự nghiệp của mình ở Đông Nam Á và đến Hà Nội từ năm 1999, chưa bao giờ tôi có niềm tin mạnh mẽ hơn vào con đường thành công của Việt Nam như bây giờ.
Nhưng đầu tư là hành trình vất vả, phải sàng lọc rất kỹ càng. Có một vấn đề nổi cộm ở các doanh nghiệp đó là tư duy lâu dài. Có rất nhiều doanh nghiệp nhìn vào số lượng dự án mới là hấp dẫn nhưng họ thành lập các pháp nhân mới triển khai dự án mà công ty mẹ chỉ có 10%. Thậm chí, ở nhiều doanh nghiệp làm dự án mới có nguồn lực từ công ty mẹ mới xin được đất, có được uy tín nhưng cổ đông không có gì, lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu cá nhân phần lớn dự án mới.
Với các nhà đầu tư, điều này giống như bạn mua ngôi nhà rất đẹp, tài sản lớn nhưng chẳng có gì là của bạn cả. Tư duy và phong cách đầu tư như vậy khiến nhà đầu tư nước ngoài thận trọng.
Có vẻ như diễn biến và môi trường kinh doanh hiện nay mang đến nhiều ưu thế cho các bên sẵn tiền và bên mua như các quỹ tư nhân?
Các nhà đầu tư tổ chức ở khắp mọi nơi đều biết tới câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill: ‘Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng tốt trở nên lãng phí’. Nhờ đó, Phố Wall biết rằng, trong khủng hoảng, những cơ hội mới, những người dẫn đầu thị trường mới được sinh ra.
Trong các thương vụ, chúng tôi quan tâm đến win-win và có những hỗ trợ về mặt quản trị để doanh nghiệp phát triển với quy mô tốt hơn. Đến một ngày, doanh nghiệp IPO và niêm yết, sẽ có những quỹ mới đến với họ. Như bất kỳ thị trường nào khác, chứng khoán cũng có những nhà đầu tư với những khẩu vị khác nhau, chẳng hạn Quỹ PYN chủ yếu đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết.
Là một nhà quản lý quỹ, mặc dù là một quỹ nhỏ, tôi tập trung vào việc tìm kiếm các cơ hội mà hầu hết mọi người sẽ bỏ qua, hoặc sợ hãi khi đầu tư vào những thời điểm như thế này. Tôi đã gặp gỡ nhiều công ty quản lý quỹ hàng đầu – đang quản lý hàng tỷ USD vốn đầu tư, tất cả đều thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến thị trường Việt Nam.
Các nhà đầu tư tổ chức Đài Loan (Trung Quốc) quan tâm nhất đến việc tiếp cận thị trường chứng khoán đang phát triển của Việt Nam. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận thị trường Việt Nam gián tiếp qua hai quỹ ETF từ Đài Loan, hoặc tiếp cận trực tiếp thông qua các công ty chứng khoán thuộc sở hữu của Đài Loan.
Điều tôi ghi nhận được là các nhà đầu tư tổ chức của Đài Loan đang tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực tín dụng tư nhân cũng như vốn cổ phần tư nhân. Họ nhìn thấy những cơ hội to lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam, du lịch, y tế, giáo dục, kinh doanh nông nghiệp tuần hoàn mới… và tất nhiên cả bất động sản, bao gồm các loại, từ bất động sản nghỉ dưỡng, thương mại, nhà ở, hậu cần và kho bãi, cũng như khu công nghiệp.
Các nhà đầu tư tổ chức của Mỹ, những nhà quản lý quỹ hàng đầu mà tôi gặp, lại tỏ ra rất quan tâm đến đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tới các cơ hội liên doanh, liên kết, M&A. Đặc biệt, các quỹ đầu tư Mỹ rất quan tâm tới lĩnh vực đầu tư mang tính tác động, chủ yếu bao gồm năng lượng sạch, tài chính toàn diện, y tế, nước và vệ sinh, phát triển nguồn nhân lực/lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng.
Những diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu gần đây đang tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, ông có chia sẻ quan điểm gì?
Chúng ta đã chứng kiến nhiều biến động của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán toàn cầu, những diễn biến này đã làm thay đổi quan điểm của nhiều nhà đầu tư cá nhân, doanh nhân cũng như người nội trợ. Tôi không nói rằng chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng, nhưng tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân và công chúng dường như chỉ ra như vậy.
Chúng ta có thể nhận thấy vấn đề ở khắp mọi nơi: thị trường nhà ở, hàng hóa, chứng khoán Mỹ; xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn tiếp diễn; xung đột Trung Đông, lạm phát cao, kinh tế có dấu hiệu suy thoái, niềm tin của người tiêu dùng thấp ở nhiều quốc gia, khu vực… Những diễn biến trên dẫn đến lo ngại của nhiều nhà đầu tư cũng như hộ gia đình về một cuộc khủng hoảng diễn ra trên diện rộng. Nhưng các nhà đầu tư tổ chức ở khắp mọi nơi đều biết tới câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill: “Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng tốt trở nên lãng phí”. Nhờ đó, Phố Wall biết rằng, trong khủng hoảng, những cơ hội mới, những người dẫn đầu thị trường mới được sinh ra.
Và tôi rất thích một câu nói nổi tiếng từ thần tượng của tôi, huyền thoại đầu tư Warren Buffett: “Chỉ có tính cách lạc quan, tự tin, cần cù và siêng năng mới có thể gặt hái được hạnh phúc và làm giàu cho cuộc sống”.