Cơ hội nâng tầm

Sau bài viết 'Thận trọng khi tu sửa cầu Long Biên' (Đại Đoàn Kết số 249, ra ngày 5/9), nhiều ý kiến bạn đọc đều bày tỏ, đã đến lúc cần một phương án tổng thể để triển khai bảo tồn, tôn tạo, lấy lại cho cây cầu những giá trị mới - giá trị kinh tế, nghệ thuật và du lịch.

Cầu Long Biên. Ảnh: Xuân Lê

Cầu Long Biên. Ảnh: Xuân Lê

Tới nay, cầu Long Biên bắc qua sông Hồng vẫn là 1 trong 3 tuyến huyết mạch của ngành đường sắt, gồm tuyến Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên đại tu cầu Long Biên như một phương tiện giao thông nữa mà nên tu bổ theo hướng bảo tồn, biến cầu thành một phần của di sản đô thị Hà Nội, làm nơi để người dân tham quan, chụp ảnh, đi bộ, mua sắm đồ lưu niệm…Có ý kiến còn cho rằng nên biến cầu Long Biên thành bảo tàng ký ức.

Cho dù là phương án nào thì cũng đều mang theo kỳ vọng phục dựng lại cây cầu để góp phần phát triển Hà Nội. Vì rằng cầu Long Biên bên cạnh ý nghĩa kinh tế còn mang ý nghĩa phát triển xã hội, văn hóa - lịch sử một cách rất đặc sắc.

Không phải vô tình mà cầu Long Biên gắn với hình tượng “Rồng”, một biểu tượng đúc kết đỉnh cao, đại diện cho tâm thức vượt khó, vươn bay đầy khí thế. Khi xây dựng, người ta đã chọn dạng thiết kế “mở”, tức là có khả năng nâng cấp, mở rộng ở một giới hạn kỹ thuật tùy thời điểm. Cây cầu còn tăng tính hấp dẫn bằng chính cách biến ảo với hệ dầm đan ngang, dọc, chéo mà nếu ta đi dọc cầu check-in từng vị trí bất kỳ thì cũng đều cảm nhận rất rõ nét.

Với nhiều người, cầu Long Biên như một người bạn tâm giao để thổ lộ những tâm tình vui buồn, thậm chí kể cả khi “bão tố” trong lòng đến với cây cầu cũng sẽ được nhiều xoa dịu an ủi. Chính những thanh sắt vô tri, dáng hình cũ kỹ nhuốm màu thời gian lại đem đến bâng khuâng, xao xuyến trong lòng người.

Được khởi công từ năm 1898, khánh thành lần đầu vào năm 1902, tới nay cầu Long Biên đã trở thành gạch nối 3 thế kỷ trong lòng Hà Nội, đã trở thành một phần máu thịt của Hà Nội. Khi Hà Nội đã được định hướng quy hoạch mới, với mục tiêu xác định trục lõi là dòng sông Hồng, có khu vực phát triển theo hướng sinh thái - công viên xanh chạy dọc hai bên dòng sông kết nối với các bãi giữa, thì cơ hội nâng tầm cho cầu Long Biên càng hiện thực hơn bao giờ hết.

Đến bây giờ, không ai còn bàn đến chuyện di dời cây cầu đi nơi khác, hoặc là phá dỡ làm mới. Về mặt quy hoạch kiến trúc cũng không nên kéo dài sự bàn thảo mà nên sớm có quyết định. Đó không chỉ là mong muốn của giới kiến trúc hay của nhà quản lý, mà còn là mong mỏi của người Hà Nội cũng như người dân cả nước mỗi khi có dịp về Thủ đô để được ngắm nhìn, được thả bước trên cây cầu Long Biên huyền thoại.

An Nhiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-hoi-nang-tam-10289419.html