Cơ hội nào cho các công ty nước ngoài tại thị trường Trung Quốc?

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với sức ép giảm phát. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại của các công ty nước ngoài về triển vọng kinh doanh của họ trong môi trường kinh tế vĩ mô suy giảm.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về triển vọng kinh doanh tại thị trường này. Ảnh: THX/TTXVN

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về triển vọng kinh doanh tại thị trường này. Ảnh: THX/TTXVN

Để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này đã thông qua nghị quyết tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX vừa qua nhằm “nắm bắt những tầm nhìn rộng hơn thông qua cải cách và mở cửa hơn nữa”. Điều này không có gì bất ngờ vì nhu cầu cấp thiết của Trung Quốc về công nghệ tiên tiến, lao động lành nghề, vốn nước ngoài và chuyên môn quản lý.

Tuy nhiên,

nền kinh tế nước này, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, đang phải đối mặt với sức ép giảm phát, như đã thấy qua các chỉ số chính như chỉ số giá của nhà sản xuất và chỉ số nhà quản trị mua hàng trong ngành sản xuất. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại của các công ty nước ngoài về triển vọng kinh doanh của họ trong môi trường kinh tế vĩ mô suy giảm.

Cùng với những thách thức này, chính sách phát triển công nghiệp của Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng mạnh sản lượng. Chẳng hạn, doanh số bán xe điện (EV) đã tăng hơn 30% trong 5 tháng đầu năm ở Trung Quốc và đến cuối năm, có thể vượt 10 triệu chiếc. Các công ty Trung Quốc buộc phải giảm giá mạnh, siết chặt lợi nhuận và khiến thị trường trở nên khó khăn hơn đối với các đối thủ nước ngoài.

Xung đột thương mại đang leo thang khi căng thẳng địa chính trị gia tăng và khi nguồn cung dư thừa trong lúc nhu cầu nội địa yếu của Trung Quốc đã dẫn đến khối lượng xuất khẩu khổng lồ. Điều này đã khiến Liên minh châu Âu và Mỹ áp thuế đối với EV và các sản phẩm năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc. Những "cuộc chiến" thuế quan như vậy gây ra rủi ro đáng kể cho các công ty nước ngoài, bao gồm những gián đoạn hoạt động, doanh thu giảm và chi phí tăng khi tìm kiếm thị trường thay thế.

Để phát triển mạnh, chiến lược tối ưu cho các công ty nước ngoài là tiếp tục đổi mới, tạo sự khác biệt cho sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cũng như đảm bảo chất lượng vượt trội để tránh các cuộc đua giá cả khốc liệt. Phối hợp hiệu quả với cả chính quyền trung ương và địa phương, hợp tác với những công ty địa phương và tuyển dụng các chuyên gia trong nước một cách chiến lược là điều bắt buộc để thích ứng với bối cảnh pháp lý của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng nên sử dụng những phòng thương mại nước ngoài ở Trung Quốc để duy trì liên lạc với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, ủng hộ các cơ chế minh bạch và công bằng hơn, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh tối ưu hơn.

Thời đại kiếm tiền dễ dàng ở Trung Quốc đã kết thúc. Các công ty nước ngoài phải linh hoạt và nhanh chóng điều chỉnh chiến lược của mình cho phù hợp với các chính sách và bối cảnh kinh doanh năng động của Trung Quốc để đảm bảo có thể tìm kiếm các cơ hội mới và có chỗ đứng tại thị trường quan trọng này, trong khi giảm thiểu rủi ro.

Lê Minh (Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-nao-cho-cac-cong-ty-nuoc-ngoai-tai-thi-truong-trung-quoc/341612.html