Cơ hội nào cho các đội bóng châu Á tại World Cup 2022?

Lần đầu tiên trong lịch sử, châu Á có đến 6 đại diện tham dự một kỳ World Cup. Tuy nhiên, khả năng để một trong số các đội bóng này tiến xa ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh không được giới chuyên môn đánh giá cao.

Son Heung-min là niềm hy vọng lớn nhất của Hàn Quốc. Ảnh: Daily Mail

Son Heung-min là niềm hy vọng lớn nhất của Hàn Quốc. Ảnh: Daily Mail

Những bảng đấu khó khăn

Tròn 20 năm trước, đội tuyển Hàn Quốc với lợi thế sân nhà đã làm nên lịch sử khi lọt vào đến tận vòng bán kết World Cup 2002. Cho đến nay, đó vẫn là thành tích ấn tượng nhất của một đội bóng châu Á trong các kỳ World Cup.

Tại World Cup 2022 tới đây, châu Á hay chính xác hơn là Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) có tới 6 đại diện. Ngoài chủ nhà Qatar, các đội bóng còn lại là Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ả Rập Xê Út và Australia. Dù đã có những tiến bộ trong thời gian qua, nhưng cơ hội vượt qua vòng bảng của các đại diện châu Á là không nhiều.

Qatar là đội chủ nhà nhưng xét về mặt chuyên môn, họ là đội bóng bị đánh giá thấp nhất trong số các đại diện châu Á. Qatar nằm cùng bảng với Hà Lan, Senegal và Ecuador. Hà Lan tất nhiên là đội bóng được đánh giá cao nhất, trong khi Senegal và Ecuador cũng rất đáng gờm với nhiều cầu thủ đang thi đấu ở những giải vô địch hàng đầu châu Âu. Ngôi sao sáng nhất trong đội hình Qatar là tiền đạo Almoez Ali, người từng đối đầu với lứa U23 Việt Nam của Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường ở bán kết U23 châu Á Thường Châu 2018. Hy vọng của Qatar có lẽ chỉ là kiếm được ít nhất 1 điểm trong 3 trận vòng bảng.

Nhật Bản, đội bóng đã tạo ấn tượng tốt tại World Cup 2018, cũng không gặp may khi nằm cùng bảng với hai nhà cựu vô địch Tây Ban Nha và Đức. Dù cả hai đại gia châu Âu đều đang trong quá trình chuyển giao thế hệ và suy yếu nhiều so với thời kỳ hoàng kim, song đây vẫn là những thử thách rất lớn cho “Samurai xanh”. Nhật Bản đang có một thế hệ cầu thủ tốt với nhiều ngôi sao đang thi đấu tại châu Âu, tiêu biểu như hậu vệ Takehiro Tomiyasu của Arsenal hay tiền vệ Daichi Kamada của Eintracht Frankfurt. Mặc dù vậy, nếu xét về kinh nghiệm và truyền thống ở World Cup, họ vẫn đứng ở chiếu dưới so với Tây Ban Nha và Đức.

Hy vọng ở Iran và Hàn Quốc

Iran là đội bóng châu Á có thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng FIFA và đây cũng được xem là niềm hy vọng của châu Á ở kỳ World Cup này. Đại diện Tây Á nằm ở bảng đấu gồm Anh, Xứ Wales và Mỹ. Đội tuyển Anh được đánh giá mạnh nhất trong bảng, nhưng Xứ Wales và Mỹ là các đối thủ mà Iran có thể chơi sòng phẳng. Tại kỳ World Cup cách đây 4 năm, Iran từng đánh bại Morocco và gây ra rất nhiều khó khăn cho hai đội bóng mạnh của châu Âu là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Năm nay, đoàn quân dưới sự dẫn dắt của chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm Carlos Queroiz vẫn có đầy đủ những hảo thủ, trong đó, nổi bật nhất là chân sút Mehdi Taremi đang chơi cho Porto ở Bồ Đào Nha.

Đại diện tiếp theo của châu Á là Hàn Quốc rơi vào một bảng đấu không dễ dàng cùng Bồ Đào Nha, Uruguay và Ghana. Vấn đề lớn nhất của Hàn Quốc chính là tình trạng thể lực của ngôi sao sáng nhất trong đội hình của họ là Son Heung-min, người đã phải trải qua ca phẫu thuật chấn thương cận kề World Cup. Nếu Son kịp trở lại gánh vác hàng công, Hàn Quốc sẽ là đối thủ đáng gờm khi ở hàng thủ, họ cũng đang có một ngôi sao đã tỏa sáng từ đầu mùa là hậu vệ Kim Min-jae của Napoli, đội bóng đang dẫn đầu Serie A.

Trong bảng đấu của Hàn Quốc, Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo được đánh giá có sức mạnh vượt trội. Do đó, việc cạnh tranh tấm vé đi tiếp của Son Heung-min và các đồng đội nhiều khả năng sẽ được tập trung vào hai trận đấu với Uruguay và Ghana. Uruguay vẫn còn cặp tiền đạo lừng danh Luis Suarez và Edinson Cavani, nhưng cả hai hiện tại đều đã qua thời kỳ đỉnh cao, trong khi các đội bóng châu Phi như Ghana thường không được đánh giá cao ở khả năng tổ chức cũng như tính ổn định. Son và các đồng đội của mình cần phải nỗ lực hết sức để kiếm được những điểm số quyết định từ hai trận đấu này. Một lợi thế cho Hàn Quốc là phải đến lượt trận cuối cùng vòng bảng, họ mới phải đối đầu với Bồ Đào Nha. Nếu giải quyết tốt được hai trận đấu đầu tiên, cơ hội đi tiếp của đội bóng xứ kim chi là không hề nhỏ.

Tại World Cup 2018, 4/5 đại diện châu Á (trừ Australia) đều đã có được ít nhất 1 trận thắng ở vòng bảng. Tuy nhiên, chỉ có Nhật Bản là đội bóng duy nhất đi tiếp sau vòng bảng. “Samurai xanh” đã suýt chút nữa gây bất ngờ khi dẫn trước đội tuyển Bỉ tới 2-0 ở trận đấu thuộc vòng 1/8 trước khi bị đối thủ lội ngược dòng ở những phút cuối cùng.

Hoàng Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-hoi-nao-cho-cac-doi-bong-chau-a-tai-world-cup-2022-post456252.html