Cơ hội nào cho các hãng hàng không mới ở Việt Nam?

Việt Nam đang trở thành 1 trong 10 địa điểm được yêu thích nhất của khách Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Italia… trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong khi thị trường du lịch tăng trưởng nhanh chóng thì việc kết nối đến các điểm đến vẫn còn nhiều hạn chế.

Cần một bước tiến mới về chất lượng

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giai đoạn 2013 – 2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6%.

Cũng trong năm 2017, lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đã đạt kỷ lục 94 triệu lượt, đưa Việt Nam trở thành một trong những nơi có thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Cục Hàng không Việt Nam dự báo lượng hành khách hàng không sẽ đạt 142 triệu vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân là 14% trong giai đoạn 2017-2020.

Tại Hội thảo “Nhận diện cơ hội và thách thức trong thị trường hàng không” mới diễn ra tại Hà Nội, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định tiềm năng phát triển thị trường hàng không của Việt Nam rất lớn. Cụ thể: “Tỷ lệ người được bay của Việt Nam hiện nay rất thấp, chỉ 60%. Trong khi đó, con số này tại các nước khác trong khu vực lên tới 80%. Chúng ta còn nhiều dư địa để phát triển”.

Cũng liên quan đến tiềm năng phát triển thị trường hàng không, lãnh đạo một hãng hàng không lớn tại Việt Nam “bật mí”: 5 năm qua, phải dùng từ bùng nổ để nói về sự phát triển của du lịch Việt Nam. Chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng của khách Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam lại nhanh như hiện nay.

Sự phát triển bùng nổ và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các hãng hàng không mới. Tuy nhiên, qua phân tích xu hướng phát triển của hàng không thế giới, các chuyên gia cũng cảnh báo các hãng hàng không tiềm năng không thể dùng mô hình kinh doanh truyền thống hay hàng không giá rẻ để cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia nhận định, sau thời gian dài cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng giá rẻ và truyền thống, hàng không thế giới cần một bước tiến mới về chất lượng. Và bước tiến này chính là mô hình Hybrid.

Mô hình Hybrid sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan

Nếu Hybrid trong ngành chế tạo xe hơi dùng để chỉ những chiếc xe tiêu thụ cả hai loại nhiên liệu xăng và điện thì mô hình Hybrid carries đơn giản là sự hiện diện của cả loại hình phục vụ truyền thống và giá rẻ trên cùng một chuyến bay. Đây được xem là bước tiến mới của hàng không thế giới sau thời gian dài chỉ tồn tại hai loại hình hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ (LCC) trong cuộc so găng quyết liệt chưa có hồi kết.

Sau ô tô, mô hình Hybrid sẽ được các hãng hàng không áp dụng

Sau ô tô, mô hình Hybrid sẽ được các hãng hàng không áp dụng

Bay với hàng không truyền thống, bạn sẽ được phục vụ đầy đủ các dịch vụ tiện nghi, nhưng với mức giá khó có thể nói là thân thiện. Bay với hàng không giá rẻ, bạn sẽ không quá đau lòng khi móc hầu bao. Nhưng tất nhiên, “tiền nào của nấy”, hàng loạt tiện ích sẽ bị cắt giảm tối đa để tiết kiệm chi phí bằng mọi giá, từ suất ăn miễn phí, phương tiện giải trí, hành lý miễn cước cho đến diện tích ghế ngồi.

Trong nhiều năm thị trường hàng không quốc tế đã phân chia hàng không truyền thống và giá rẻ bằng những đường thẳng song song không có điểm chung. Tuy nhiên, ranh giới giữa hai phân khúc này có thể sẽ bị xóa nhòa khi mô hình lai Hybrid ra đời.

Với Hybrid, khách hàng sẽ được phục vụ những tiện ích như của hàng không truyền thống, nhưng với mức giá có thể cạnh tranh trực tiếp với các hãng giá rẻ LCC. Tham vọng của mô hình này là đáp ứng được tất cả các loại nhu cầu khác nhau của hành khách trên cùng một khoang khách. Đây không phải giấc mơ quá xa vời bởi trên thực tế, mô hình Hybrid đã được thế giới đón nhận từ lâu.

Tại Việt Nam, nhiều động thái tương tự đã diễn ra với hàng không nội địa trong một vài năm trở lại đây, khiến mô hình Hybrid thực tế đã không còn quá xa lạ.

Bamboo Airways tự định vị mình trở thành hãng hàng không Hybrid ngay khi gia nhập thị trường

Bamboo Airways tự định vị mình trở thành hãng hàng không Hybrid ngay khi gia nhập thị trường

Tuy nhiên, tự định vị mình là hàng không Hybrid ngay từ vạch xuất phát thì cho đến nay mới chỉ có một thương hiệu duy nhất là Bamboo Airways – hãng hàng không vừa đặt mua 44 máy bay hiện đại từ hai hãng Boeing và Airbus với giá trị hợp đồng lên tới 8,6 tỷ USD.

Theo một khảo sát từ năm 2008 của Sabre Airline Solutions, nhà cung ứng lớn nhất thế giới cho các dịch vụ hàng không, thì 52% các hãng hàng không giá rẻ trên toàn cầu đã bắt đầu hướng tới mô hình Hybrid khi dần bổ sung các tiện ích của hàng không truyền thống. 64% du khách thừa nhận rằng họ đã du lịch trên những chiếc máy bay theo mô hình Hybrid chứ không đơn thuần là hàng không giá rẻ. Và cũng từ thời điểm này, những thương hiệu giá rẻ từ EasyJet, Germanwings cho đến AirAsia hay JetBlue đều đã tính toán đến những giải pháp nâng cấp tiện ích để lôi kéo nhóm khách hàng chịu chi hơn.

Quang Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/co-hoi-nao-cho-cac-hang-hang-khong-moi-o-viet-nam-400912.html