Cơ hội nào cho các nỗ lực đàm phán hòa bình Nga - Ukraine?
Trong bối cảnh cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ ba, hôm 26/12 (giờ địa phương), cả Nga và Ukraine đã đưa ra các tuyên bố quan trọng về khả năng chấm dứt cuộc chiến. Những quan điểm này được xem là kim chỉ nam cho các nỗ lực đàm phán, nếu cơ hội chín muồi.
Phát biểu sau cuộc họp Hội đồng Kinh tế Á - Âu (SEEC), Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kết thúc xung đột trong năm tới. Ông nhấn mạnh Nga sẽ tập trung đạt được chiến thắng toàn diện, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trên cả chiến trường và các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quân sự. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng gợi ý Slovakia, một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) giáp biên giới Ukraine, có thể là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý, nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài và an ninh bền vững cho cả Nga và các nước láng giềng. Ông cho rằng, các cuộc đàm phán chỉ có ý nghĩa nếu giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của xung đột, đồng thời đáp ứng các nguyên tắc mà Tổng thống Putin đã đề ra. “Một lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ không mang lại kết quả. Điều chúng ta cần là những thỏa thuận pháp lý mang tính bền vững, đảm bảo không ai có thể vi phạm bằng các lý do hợp pháp quốc tế”, ông nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bài phát biểu trực tuyến, đã ca ngợi các lữ đoàn Ukraine vì những chiến công trên chiến trường, bao gồm các cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga và các chiến dịch tầm xa. Ông cũng đánh giá cao việc Mỹ gia tăng viện trợ quân sự, coi đây là yếu tố then chốt giúp Ukraine tiến gần hơn đến mục tiêu hòa bình. “Mỗi lữ đoàn, mỗi đơn vị đều góp phần đưa chúng ta gần hơn tới hòa bình. Tôi biết ơn các đối tác quốc tế và cam kết của họ trong việc hỗ trợ sức mạnh quân sự và ngoại giao cho Ukraine”, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố.
Các tuyên bố từ cả Nga và Ukraine cho thấy hai bên vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nhưng trước tiên sẽ tập trung củng cố lợi thế trên chiến trường. Điều này dự báo một lộ trình đầy thách thức để đạt được hòa bình, với nhiều gián đoạn không thể tránh khỏi. Theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc kéo dài đến giữa năm 2026, thậm chí muộn hơn.