Cơ hội nào cho các tuyển thủ U.23?
Từ một tập thể gây nhiều thất vọng và lo lắng ở 2 trận vòng loại Giải U.23 châu Á trước Đài Loan và Myanmar, sau 7 tháng, U.23 Việt Nam gần như lột xác.
Một trong những yếu tố làm nên sự thay đổi này là các cầu thủ trẻ trưởng thành khi được liên tục thi đấu, cọ xát, từ Giải U.23 Đông Nam Á, Dubai Cup, 2 trận gặp U.20 Hàn Quốc và đặc biệt là SEA Games 31.
Với bóng đá trẻ, việc được ra sân thường xuyên sẽ giúp tích lũy kinh nghiệm, tăng khả năng thực chiến và sự tự tin. Làm nên kỳ tích á quân U.23 châu Á 2018, những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Thanh, Văn Hậu… đã có chỗ đứng vững chắc tại CLB, luôn đá chính ở V.League. Còn lứa U.23 hiện tại, cho đến trước SEA Games 31 và giải đấu trên đất Uzbekistan, nhiều người hâm mộ còn chưa biết mặt, nhớ tên các cầu thủ, bởi có đến 1/3 đang thi đấu ở Giải hạng Nhất, số đông còn lại chỉ là dự bị… của dự bị tại các đội bóng V.League.
Cụ thể, trong danh sách 23 cầu thủ U.23 Việt Nam tham dự vòng chung kết (VCK) U.23 châu Á 2022, có 16 cầu thủ đang khoác áo các CLB ở V.League. Tuy nhiên, những cái tên được đá chính chỉ đếm trên đầu ngón tay: thủ môn Nguyễn Văn Toản (Hải Phòng); các hậu vệ Bùi Hoàng Việt Anh (Hà Nội FC), Nguyễn Thanh Bình (Viettel), Duy Cương (SHB.Đà Nẵng); tiền vệ Lý Công Hoàng Anh (Bình Định); Nguyễn Hai Long (Than QN, Hà Nội FC) và Dụng Quang Nho (được cho Hải Phòng mượn). Ngoài ra, nhìn xuống Giải hạng Nhất có thêm tiền vệ Lê Văn Đô, Công Đến (CLB Phố Hiến), tiền đạo Minh Bình (HAGL cho CAND mượn). 10/23 và… hết!
Trong số 23 cầu thủ tham dự VCK U.23 châu Á 2022, có đến 16 cầu thủ còn tuổi tham dự SEA Games 32 diễn ra năm sau tại Campuchia và 9 cầu thủ có thể thi đấu tại Giải U.23 châu Á 2 năm tới.
Bản thân chân sút số 1 Nhâm Mạnh Dũng, tác giả bàn thắng duy nhất ở trận chung kết giúp U.23 Việt Nam bảo vệ tấm HCV và đá chính cả 4 trận tại VCK U.23 châu Á 2022, dù chấp nhận đá mọi vị trí kể cả… hậu vệ biên ở CLB Viettel, nhưng trong 4 mùa giải chỉ có mặt trong đội hình xuất phát… 1 trận và được ra sân có 214 phút. Trong 4 vòng đấu của V.League và 2 trận ở Cúp QG năm nay, Mạnh Dũng cũng chỉ mới đá 2 trận cho Viettel. Cũng ở Viettel, tương tự là trường hợp Danh Trung.
Tương lai của chân sút Nguyễn Văn Tùng còn mờ mịt hơn khi vừa được đôn lên đội 1 Hà Nội FC. Tác giả bàn thắng vào lưới U.23 Thái Lan được AFC đề cử vào tốp 5 bàn thắng đẹp nhất vòng bảng U.23 châu Á 2022 chưa có trận đấu chào sân ở đội bóng thủ đô và làm sao có thể cạnh tranh chỗ đứng trước 2 ngoại binh đắt giá người Đông Âu và cả đàn anh tiền đạo đội tuyển Việt Nam Phạm Tuấn Hải? Hai cầu thủ U.23 khác ở Hà Nội FC chơi rất ấn tượng tại Uzbekistan là hậu vệ Vũ Tiến Long và thủ môn Quan Văn Chuẩn cũng cùng cảnh ngộ.
Cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là hậu vệ trái Phan Tuấn Tài. Viettel vừa quyết định triệu hồi tài năng mới nổi này sau khi cho mượn từ đội hạng Nhất Đắk Lắk, nhưng anh có chen chân được vào đội hình củaViettel hay không vẫn là dấu hỏi. Bởi ở vị trí trấn giữ hành lang trái của Viettel còn có Thanh Bình và Trương Văn Thiết.
Cũng thuộc biên chế của 2 đội bóng hàng đầu của thủ đô, cơ hội cho 2 phát hiện mới Khuất Văn Khang (Viettel) và Nguyễn Văn Trường (Hà Nội FC) lại càng nhỏ hơn. Cũng giống như 2 trường hợp Thanh Nhân và Võ Đình Lâm ở HAGL chỉ được HLV Kitisak sử dụng ở Giải giao hữu Cúp Hoàng đế Quang Trung, vào V.League chỉ rất hạn hữu.
Lời giải nào cho bài toán giúp các cầu thủ trẻ nói chung và các tuyển thủ U.23 được thi đấu nhiều hơn khi đây là tương lai của nển bóng đá?