Cơ hội nào cho đội tuyển nữ tại đấu trường Olympic?
Sau kỳ ASIAD 19 và vòng loại thứ hai Olympic Paris 2024, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng không thiếu những cơ hội để hướng đến một suất tham dự Olympic trong tương lai gần, đặc biệt là kỳ Thế vận hội 2028 hoặc 2032.

Đội tuyển nữ Việt Nam đã có mặt tại World Cup và mục tiêu tham dự Olympic không hề viển vông
Tại vòng loại Olympic Paris 2024, tuyển nữ Việt Nam nằm cùng bảng với Nhật Bản, Uzbekistan và Ấn Độ, một bảng đấu được đánh giá là rất khó khăn. Dù các cô gái áo đỏ thi đấu đầy nỗ lực, nhưng vẫn không thể tạo nên bất ngờ trước những đối thủ vượt trội cả về thể hình lẫn nền tảng kỹ chiến thuật.
Thực tế, đội tuyển nữ Việt Nam đã có mặt tại World Cup. Tại vòng chung kết Asian Cup nữ 2022 tại Ấn Độ. Bằng tinh thần kiên cường, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã vượt qua vòng bảng và tiến vào vòng play-off tranh vé dự World Cup.
Trong vòng play-off, Việt Nam nằm cùng bảng với Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc). Với quyết tâm cao, các cô gái Việt Nam đã giành vé dự World Cup nữ 2023.
Tuy nhiên, không giống như World Cup, nơi Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) dành nhiều suất cho mỗi châu lục, Thế vận hội có số lượng đội tuyển rất hạn chế (12 đội), trong đó châu Á thường chỉ có 2 suất chính thức.
Điều này đồng nghĩa với việc cần lọt vào nhóm 2 đội mạnh nhất châu Á, đội tuyển nữ Việt Nam mới có vé trực tiếp tới Olympic.
Việc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) chính thức thông qua quyết định nâng số đội tham dự nội dung bóng đá nữ lên 16 tại Thế vận hội Los Angeles 2028 không chỉ là bước tiến lớn về mặt thể chế, mà còn mở ra một cánh cửa hy vọng mới cho bóng đá nữ Việt Nam trên hành trình hội nhập với thể thao đỉnh cao thế giới.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino khẳng định: “FIFA luôn tin tưởng vào sức mạnh và tiềm năng truyền cảm hứng của bóng đá nữ. Việc tăng số đội dự Olympic không chỉ tạo cơ hội thi đấu nhiều hơn, mà còn lan tỏa hình ảnh thể thao tích cực tới hàng triệu người trên khắp thế giới”.
Trong bối cảnh bóng đá nữ đang ngày càng khẳng định vị thế, khu vực châu Á nơi có nhiều nền bóng đá nữ giàu truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia được kỳ vọng sẽ có thêm suất tham dự tại Angeles 2028.
Đối với đội tuyển nữ Việt Nam, đây là một tín hiệu đầy tích cực. Dù chưa thể vượt qua vòng loại thứ hai tại Olympic Paris 2024, nhưng nỗ lực và thành tích gần đây cho thấy, chúng ta đang dần tiệm cận trình độ châu lục và nếu được đầu tư bài bản, việc hiện thực hóa giấc mơ Olympic hoàn toàn không viển vông.
Hiện tại, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn dựa nhiều vào những trụ cột như Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Bích Thùy, Tuyết Dung… những gương mặt đã chinh chiến từ SEA Games đến World Cup. Tuy nhiên, để hướng tới tương lai, đặc biệt là Olympic 2028 khi nhiều cầu thủ hiện tại sẽ quá tuổi đỉnh cao, bóng đá nữ buộc phải chuyển giao thế hệ và làm mới lực lượng.
Các giải U16, U18 và U20 nữ quốc gia cần được nâng tầm chất lượng, tạo ra môi trường cạnh tranh thực thụ cho các tài năng trẻ. Đồng thời, việc đưa cầu thủ nữ trẻ ra nước ngoài thi đấu cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Một trong những yếu tố cốt lõi để bóng đá nữ Việt Nam hướng đến đấu trường Olympic chính là xây dựng hệ thống giải đấu chuyên nghiệp. Hiện nay, giải VĐQG nữ mới chỉ duy trì ở quy mô bán chuyên, số đội ít và mật độ thi đấu còn mỏng.
Thêm vào đó, mô hình học viện đào tạo bóng đá nữ chuyên biệt như PVF, Hà Nội, TP.HCM cần được mở rộng ra các địa phương khác, nhằm đa dạng hóa nguồn lực và phát hiện tài năng từ sớm.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước cho thể thao còn hạn chế, việc xã hội hóa bóng đá nữ thông qua tài trợ, đồng hành doanh nghiệp là yếu tố quyết định cho sự phát triển dài hạn.
Để hiện thực hóa giấc mơ Olympic, bóng đá nữ Việt Nam có thể học hỏi từ các nền bóng đá nữ mạnh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những đội đã và đang dự Olympic nhiều kỳ liên tiếp.
Họ đều có một điểm chung là nền tảng đào tạo trẻ tốt, giải VĐQG chuyên nghiệp, hệ thống huấn luyện bài bản và sự đầu tư toàn diện.
Việc FIFA và AFC đang tích cực mở rộng sân chơi cho bóng đá nữ, cùng với việc Olympic ngày càng hướng tới bình đẳng giới, sẽ mở ra những cánh cửa mới.
Việt Nam với tư cách là quốc gia duy trì thứ hạng top 6 châu Á, nếu tiếp tục giữ vững phong độ và nâng cao chất lượng cầu thủ trẻ, hoàn toàn có thể trở thành ứng viên cạnh tranh sòng phẳng trong vài năm tới.
Từ hành trình chưa trọn vẹn tại Paris 2024, bóng đá nữ Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ lớn. Olympic là mục tiêu xa nhưng không phải bất khả thi nếu dám mơ, dám làm và bắt đầu từ hôm nay.