Cơ hội nào cho dự luật Hong Kong nếu ông Trump phủ quyết?
Quốc hội Mỹ hoàn toàn có thể 'phủ quyết' lại quyết định phủ quyết của ông Trump, với điều kiện phải được 2/3 nghị sĩ ở cả lưỡng viện thống nhất.
Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ còn vài ngày (đến ngày 2-12) để quyết định hoặc ký ban hành thành luật hoặc phủ quyết dự luật. Qua ngày 2-12, nếu ông Trump không làm gì thì dự luật sẽ tự động trở thành luật.
Dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ hàng năm phải ra báo cáo đánh giá liệu Hong Kong có đủ quyền tự trị để được Mỹ tiếp tục duy trì quy chế thương mại đặc biệt hay không. Quy chế thương mại đặc biệt này giúp Hong Kong hưởng nhiều ưu đãi hơn trong thương mại với Mỹ so với Trung Quốc đại lục, chẳng hạn không phải chịu chính sách thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc nhập khẩu từ năm ngoái đến nay.
Ông Trump nói có thể phủ quyết
Phía Trung Quốc yêu cầu ông Trump phủ quyết dự luật, đồng thời đe dọa sẽ “trả đũa mạnh” nếu dự luật được ký ban hành thành luật.
Ngày 21-11, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio – một trong những tác giả của dự luật – đoán chắc với kênh CNBC là ông Trump sẽ ký ban hành luật.
Tuy nhiên, bất ngờ là một ngày sau đó ông Trump nói ông có thể phủ quyết dự luật để bảo vệ cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, tạo điều kiện cho hai bên có được một thỏa thuận thương mại.
“Chúng ta phải sát cánh cùng Hong Kong, nhưng tôi cũng sát cánh với Chủ tịch Tập… Tôi sát cánh cùng Hong Kong… Tôi sát cánh với tất cả những thứ chúng ta muốn làm, nhưng chúng ta cũng đang trong tiến trình thương thảo một thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử. Và nếu chúng ta có thể làm được điều này, đó sẽ là điều tuyệt vời” – ông Trump nói trên chương trình truyền hình “Fox & Friends”, giải thích ông phải cân đối các ưu tiên cạnh tranh trong quan hệ Mỹ-Trung.
Chưa biết quyết định cuối cùng của ông Trump sẽ thế nào khi ông nổi tiếng là người khó đoán và các phát ngôn của ông về tình hình Hong Kong từ đầu cuộc biểu tình đến nay không nhất quán. Tuy nhiên, liệu có cơ hội nào cho dự luật trở thành luật một khi bị ông Trump phủ quyết?
Liệu Quốc hội sẽ hành động?
Theo quy định, Quốc hội hoàn toàn có thể “phủ quyết” lại quyết định phủ quyết của ông Trump, với điều kiện phải được 2/3 nghị sĩ ở cả lưỡng viện thống nhất. Và khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra khi đã không có thượng nghị sĩ nào ở Thượng viện bỏ phiếu chống khi thông qua dự luật. Và tỉ lệ phiếu thông qua ở Hạ viện cũng hết sức áp đảo, tới 417 phiếu thuận/chỉ 1 phiếu chống.
Điều quan trọng là lưỡng viện Quốc hội Mỹ có quyết định bỏ phiếu phủ quyết sự phủ quyết của ông Trump hay không. Từ khi lên làm tổng thống Mỹ đến giờ, ông Trump đã phủ quyết năm dự luật mà lưỡng viện đã thông qua trước đó và tới thời điểm này thì lưỡng viện chưa tổ chức lần bỏ phiếu nào để phủ quyết lại các quyết định phủ quyết của ông Trump.
Tuy nhiên, với dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong lần này thì điều này có thể xảy ra. Phát ngôn ngày 22-11 của ông Trump nhanh chóng gặp phản ứng dữ dội từ nhiều nghị sĩ ở cả lưỡng viện.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden tuyên bố tình hình Hong Kong không phải là cái ông Trump có thể dùng làm quân bài đàm phán và bất kỳ hành động nào của ông Trump đứng về phía Trung Quốc, qua mặt Quốc hội cần phải nhanh chóng bị gạt bỏ.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz khẳng định dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong “sẽ trở thành luật”. Ông Cruz tuyên bố sẽ không để các đe dọa chính trị cản trở sự ủng hộ của Mỹ với hàng triệu người biểu tình Hong Kong.
Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện – Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer cáo buộc ông Trump mềm yếu trước Trung Quốc. Ông Schumer tuyên bố những lời của ông Trump hôm nay không phản ánh điều mà người dân Mỹ và Quốc hội Mỹ nghĩ về các chính sách của Trung Quốc với Hong Kong.
Không như lo ngại của ông Trump rằng dự luật Hong Kong sẽ làm khó cuộc đàm phán thương mại, ông Schumer cho rằng cứng rắn với Trung Quốc trong chuyện Hong Kong sẽ giúp Mỹ thắng trong cuộc chiến thương mại.