Cơ hội nào cho hòa bình ở Ukraine?
Khi nói đến cuộc chiến ở Ukraine, một quan điểm phổ biến nhất lúc này là xung đột sẽ còn kéo dài thêm nữa mà chưa thể thấy hồi kết, đặc biệt là khi Mỹ tỏ ra không mấy mong đợi hòa bình.
Xung đột vẫn tiếp diễn
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz được cho là đã thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xem xét các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, cho thấy cách các chính quyền này muốn tránh xa khả năng cuộc xung đột tiếp diễn không hồi kết. Về phần mình, ông Zelensky đã tuyên bố rằng khi nói đến Nga, “không có gì để bàn và không có ai ở đó đáng để nói chuyện”.
Trung Quốc có thể được xem là một trường hợp đặc biệt, khi vẫn nhìn thẳng vào khả năng sẽ là một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine nhưng đồng thời hướng đến trạng thái bình ổn nhất có thể. Ngay cả trước chuyến thăm Nga vào cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề nghị làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn, đồng thời đưa ra một lập trường về nguy cơ chiến tranh tiếp diễn và những gì mà một nền hòa bình thông qua đàm phán có thể đảm bảo - bao gồm ổn định chuỗi cung ứng, giữ an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, giảm bớt các cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu do chiến tranh gây ra.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó đã đạt được rất ít tiến triển về bất kỳ điều gì kể trên. Để thấy, như bình luận của Alexander Gabuev - một thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, tâm trạng ở cả Moscow và Kiev lúc này có thể được tóm gọn: “Chiến tranh là trên hết”.
Tại Mỹ, những lời kêu gọi đàm phán hòa bình là rất hiếm hoi. Vào tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York: “Khi có cơ hội đàm phán, khi có thể đạt được hòa bình, hãy nắm lấy nó”. Vậy nhưng không có động lực rõ ràng nào cho các cuộc đàm phán ngoại giao, dưới bất kỳ hình thức nào, từ phía Washington.
Những hứa hẹn táo bạo của chính quyền Washington về một chiến thắng cuối cùng cho Ukraine có thể sẽ không thành hiện thực và người Ukraine sẽ phải chịu thêm thiệt hại trong thời gian mong đợi nó. Điều Ukraine cần là hòa bình, chứ không phải một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài chống lại một đối thủ to lớn hơn họ.
GS Stephen Martin Walt - Trường Harvard Kennedy
Trên thực tế, John Kirby - người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - đã trả lời đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như sau: “Chúng tôi không ủng hộ những lời kêu gọi ngừng bắn ngay bây giờ”. Ông cho rằng người Nga sẽ nhân cơ hội như vậy “chỉ để củng cố thêm các vị trí của họ ở Ukraine… xây dựng lại, trang bị lại và làm mới lực lượng của họ, để có thể bắt đầu lại các cuộc tấn công vào Ukraine vào thời điểm mà họ muốn”.
Đáng ngại hơn, báo giới Mỹ thậm chí có xu hướng ủng hộ cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Đề cập đến chính sách ngoại giao hòa bình của Mỹ trong tương lai, tờ New York Times từng bình luận: “Ngoại giao nghiêm túc chỉ có cơ hội nếu Nga chấp nhận rằng họ không thể khiến Ukraine phải quỳ gối. Và để điều đó xảy ra, Mỹ và các đồng minh không thể do dự trong việc viện trợ (cho Ukraine)”. Lập luận này liệu có thể hiểu: Nhiều chiến tranh hơn và không gì khác mới có thể mang lại hòa bình?
Cứ như vậy, áp lực cung cấp vũ khí nhiều hơn, mạnh hơn cho Ukraine ngày một gia tăng, như những gì Robert Wicker - đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện - đã nói: “Cách tiếp cận “nhiều hơn, tốt hơn, nhanh hơn” sẽ mang lại cho người Ukraine một chiến thắng thực sự”.
Ở Ukraine, mỗi tuần trôi qua, Mỹ dường như chỉ đang tăng cường các cam kết gây hấn với Nga, đẩy ranh giới mong manh của “chiến tranh ủy nhiệm” ngày càng tiến gần hơn đến cuộc đối đầu trực diện giữa hai cường quốc hạt nhân của thế giới lúc này. Mặc dù Mỹ và NATO nói chung vẫn duy trì quan điểm tránh đối đầu trực tiếp với Nga nhưng dường như các hình thức hỗ trợ vượt “lằn ranh đỏ” dành cho Ukraine theo thời gian đã trở nên dễ được thông qua hơn nhiều.
Tính đến đầu tháng 3 năm nay, Mỹ, một trong hơn 50 quốc gia cung cấp một số hình thức hỗ trợ Kiev, đã phân bổ viện trợ cho Ukraine trong 33 lần riêng biệt, với tổng trị giá hơn 113 tỷ USD, bao gồm cả hỗ trợ nhân đạo, quân sự và tài chính. Trong quá trình này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đồng ý cung cấp cả vũ khí sát thương, bao gồm xe chiến đấu Bradley, tên lửa Patriot và xe tăng Abrams. Cùng với đó, những lời kêu gọi hỗ trợ các vũ khí mạnh hơn, như Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACM) và tiêm kích F-16, ngày càng tăng lên. Một báo cáo gần đây của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đã lưu ý, viện trợ của Washington dành cho Ukraine “vượt xa” viện trợ của bất kỳ quốc gia nào khác.
Để không tái diễn “cuộc chiến bất tận”
Trong những tuần gần đây, căng thẳng đã mở rộng ra ngoài Ukraine. Đáng chú ý là Bắc Cực, nơi một số chuyên gia nhận thấy khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ, coi khu vực đó là “điểm nóng trong tương lai”. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin gần đây đã nói về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus.
Hay nếu không phải là Nga, Trung Quốc là khả năng lớn hơn cả khi nói đến những dự đoán về một cuộc đụng độ trong tương lai với Mỹ. Tổng thống Biden đã công khai tuyên bố rằng Mỹ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc tiến hành “một cuộc xâm lược” đảo Đài Loan (Trung Quốc). Vào tháng 2 năm nay, Washington cũng đã tiết lộ kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Philippines bằng cách triển khai các căn cứ ở khu vực gần Đài Loan nhất của nước này.
Đáng chú ý, Tướng Không quân bốn sao Mike Minihan thậm chí tin rằng Mỹ có thể sớm xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. “Trực giác của tôi mách bảo rằng chúng ta sẽ chiến đấu vào năm 2025” - ông viết trong một bản ghi chú gửi cho các sĩ quan mà ông chỉ huy để dự đoán về một động thái của Trung Quốc trong tương lai đối với Đài Loan. Ông cũng vạch ra một loạt chiến thuật tấn công và diễn tập vũ khí để chuẩn bị cho ngày đó.
Trở lại tháng 4/2021, Tổng thống Biden tuyên bố đã đến lúc ông phải “chấm dứt cuộc chiến bất tận” của Mỹ ở Afghanistan sau 20 năm. Thật vậy, vào tháng 8 năm đó, bất chấp những hỗn loạn, ông chủ Nhà Trắng đã rút lực lượng cuối cùng còn lại của Mỹ khỏi quốc gia châu Á. Nhưng một năm rưỡi sau, những câu hỏi về vai trò quan trọng của Mỹ khi nói đến cả cuộc chiến chống khủng bố hay chiến tranh nói chung vẫn còn đó.
Và nếu những tài liệu tình báo bị rò rỉ gần đây từ Lầu Năm Góc là sự thật, Mỹ phải chăng sẽ cần thay đổi cách tiếp cận để Ukraine không trở thành một “cuộc chiến bất tận” khác? Các lực lượng Ukraine, mà tình báo Mỹ đánh giá là “được trang bị kém” và “được đào tạo kém”, hiện đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa Xuân nhưng được tin là khó có thể đạt được lợi ích đáng kể nào trước hệ thống phòng thủ của Nga.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-hoi-nao-cho-hoa-binh-o-ukraine.html