Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam sau chiến thắng trước Covid-19?
Bất chấp xu hướng suy thoái toàn cầu, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố đã dự đoán, Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,7%, cao hơn nhiều nền kinh tế khu vực khác.
EVFTA hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. (Nguồn: App.Croneri)
Theo báo cáo tháng 4 của IMF, sự mở cửa trở lại của ngành du lịch và nối lại sản xuất công nghiệp bình thường khẳng định rằng Việt Nam đã vượt qua Covid-19 một cách ngoạn mục và hiện đã sẵn sàng trở thành một trung tâm kinh tế khu vực có thể thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong các lĩnh vực được lựa chọn.
IMF dự đoán, lạm phát cũng sẽ cao hơn 3%, nhưng vẫn ở mức có thể kiểm soát được. Để so sánh, các quốc gia như Philippines và Indonesia sẽ tăng trưởng 0,6 và 0,5% trong năm 2020. Tháng 5, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới nhưng đã được kiểm soát tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 2,7%.
Quốc gia an toàn nhất cho du lịch
Cũng theo IMF, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% nhờ nền tảng kinh tế ổn định và xuất khẩu tăng mạnh. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế sẽ phục hồi hoàn toàn sau 1 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Forbes mới đây cũng đã dự đoán Việt Nam là một trong những quốc gia an toàn nhất cho du lịch vì các biện pháp đối phó Covid-19 hiệu quả. Cho đến nay, Việt Nam chỉ ghi nhận 355 trường hợp nhiễm bệnh mà không có trường hợp tử vong. Thành tích này đã được các phương tiện truyền thông quốc tế công nhận và ca ngợi.
Như một sự đảm bảo cho các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam đã mở cửa lại ngành du lịch. Du khách trong nước đã đến các điểm du lịch để chứng minh rằng đất nước đã thoát khỏi thảm họa Covid-19. Đối với Việt Nam, du lịch chiếm gần 9% trong nền kinh tế trị giá 260 tỷ USD.
Khách du lịch nội địa chiếm gần 80% tổng số du khách, và các chuyến bay quốc tế cũng đang được tính toán mở trở lại. Trong khi các thị trường du lịch như Thái Lan hay Singapore chưa thể mở cửa trở lại thì ngành du lịch Việt Nam cũng đang có cơ hội để thu hút du khách và đón luồng gió mới hậu Covid-19.
Việt Nam là điểm đến an toàn của du khách quốc tế. (Nguồn: Waverley)
Lực đẩy từ EVFTA và chính sách thuế hấp dẫn
Việt Nam đã nhắm mục tiêu thu hút các nhà sản xuất quốc tế khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (VEFTA) có hiệu lực. Sau khi có hiệu lực, EVFTA được kỳ vọng sẽ mạng lại lợi ích lớn cho thương mại Việt Nam. Sau Singapore, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á có FTA với EU.
Theo tính toán, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện cho 71% hàng hóa Việt Nam miễn thuế vào thị trường châu Âu, trong khi 65% hàng hóa từ EU vào thị trường Việt Nam mà không có bất kỳ mức thuế nào.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đưa ra các gói tài chính hỗ trợ nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và an sinh. Để thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 30%. Cơ quan lập pháp Việt Nam đã thảo luận về đề xuất thúc đẩy đầu tư vào các công ty tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm gần 97% tổng doanh nghiệp tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp nhà nước.
Bước đi mới của y tế và giáo dục trực tuyến
Ở cấp độ quốc tế, các nền tảng học tập trực tuyến và ứng dụng hội họp đã được đánh giá cao và dự kiến Việt Nam cũng sẽ áp dụng các ứng dụng này để thúc đẩy đào tạo nghề và học tiếng Anh cho học sinh. Người ta cũng hy vọng rằng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng sẽ áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong công việc khám bệnh từ xa qua điện thoại và qua video.
Bên cạnh đó, trong trường hợp vaccine Covid-19 được tìm ra, Việt Nam cũng có thể bắt đầu một dây chuyền để sản xuất với giá rẻ. Việt Nam đã tạo được dấu ấn tích cực trong việc sản xuất thành công bộ kit xét nghiệm Covid-19 và thiết bị bảo hộ cá nhân, vì vậy, việc liên doanh với các nước trong sản xuất các sản phẩm này với giá thành hợp lý là một cơ hội tốt và đầy triển vọng.
Với tất cả những cơ hội đang được mở ra sau đại dịch Covid-19 cùng sự khao khát của giới đầu tư về một môi trường an toàn thì những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại... được kỳ vọng sẽ mở ra thời kỳ phát triển rất tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.