Cơ hội nhiều, nhưng thách thức không ít

Các diễn giả đã nhận định như vậy đối với tăng trưởng tín dụng xanh tại Hội thảo 'Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp' do Tạp chí Ngân hàng tổ chức diễn ra ngày 27/11/2019.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội thảo

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội thảo

Tiên phong triển khai tăng trưởng xanh

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thế giới nhiều nước quan tâm đến tăng trưởng xanh, bền vững, hướng đến phát triển kinh tế hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Các nước cũng đã có những hành động và giải pháp để triển khai mục tiêu này.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi mô hình phát triển như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020…

Để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Đây được coi là những bước đi đầu tiên trong định hướng hoạt động ngân hàng hướng tới mục tiêu Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đặc biệt ngày 7/8/2018, Thống đốc NHNN đã ký phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Các TCTD cũng nhanh chóng “vào cuộc”, xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình. Nhờ sự triển khai tích cực đó, đến hết tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018, trong đó dư nợ trung, dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh.

Đại diện VietinBank cho biết tính đến hết quý III/2019, ngân hàng đã ký kết trên 600 nghìn hợp đồng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ là hơn 16 nghìn tỷ đồng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung và tài trợ cho năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và quản lý nước sạch.

Cơ hội lớn đối với các ngân hàng khi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành đó là các NHTM trong nước nhận được nhiều đề nghị hợp tác từ các ngân hàng nước ngoài về triển khai các gói tín dụng xuất khẩu thông qua các hình thức cho vay hai bước, cho vay hợp vốn…

Chẳng hạn, JBIC cho Vietcombank vay 200 triệu USD không có tài sản bảo đảm để tài trợ các dự án điện gió, điện mặt trời góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc tuân thủ tốt các quy định về môi trường, xã hội sẽ giúp các NHTM trong nước có cơ hội nhận được vốn đầu tư từ các nước phát triển, có tiêu chuẩn khắt khe về môi trường như Nhật Bản, EU.

Đánh giá cao NHNN, các NHTM đã đi đầu trong triển khai chiến lược tăng trưởng xanh và đạt nhiều thành quả tốt trong việc phát triển hệ sinh thái xanh, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, định hướng chiến lược phát triển ngân hàng xanh của NHNN phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước như hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo...

Còn nhiều thách thức phía trước

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận, tăng trưởng xanh, tài chính xanh, ngân hàng - tín dụng xanh là lĩnh vực hết sức mới mẻ với nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.

Đi vào cụ thể hơn, ông Nghiêm Xuân Thành chỉ ra thách thức đối với các NHTM khi thực hiện chính sách tín dụng xanh là: các quy định về pháp luật còn dàn trải, rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội, đến các lĩnh vực khác nhau. Các dự án đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giảm thiểu rủi ro liên quan đến môi trường xã hội thường làm phát sinh chi phí đầu tư do phải đáp ứng nhiều điều kiện làm giảm hiệu quả kinh tế…

Chỉ ra thêm thách thức, TS. Nguyễn Viết Lợi – Viện trưởng Viện Chính sách tài chính cho biết, về dài hạn, khó có thể duy trì mức độ tăng trưởng của tín dụng xanh nếu không giải quyết vấn đề huy động vốn cho chương trình tín dụng xanh. Vì nguồn vốn để thực hiện tín dụng xanh là rất lớn trong khi các ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức từ xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, áp lực đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, các quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động các TCTD…

Để khắc phục tình trạng này, TS. Lợi đề xuất, Chính phủ có thể nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước. Ngoài ra, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành hướng dẫn và bộ tiêu chí chung trong việc sử dụng các công cụ tài chính xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế. Khuôn khổ pháp luật liên quan tới lĩnh vực đầu tư xanh, hoạt động sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng cường tính bắt buộc.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh được PGS. TS. Lê Thị Tuấn Nghĩa - Học viện Ngân hàng đưa ra là NHNN cần xây dựng và hoàn thiện quy định cụ thể về tín dụng xanh tất cả dự án đầu tư kinh doanh có ảnh hưởng đến môi trường phải được quy định một cách chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 11 ngành kinh tế chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Về phía NHTM, phải xây dựng kế hoạch phát triển tín dụng xanh phù hợp với xu thế, xây dựng quy chế đánh giá quản lý rủi ro môi trường xã hội, rà soát chọn lọc hồ sơ các dự án thận trọng để hạn chế rủi ro trong cấp tín dụng. Nhân tố quan trọng nữa thúc đẩy dòng tín dụng xanh là chất lượng nguồn nhân lực.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/co-hoi-nhieu-nhung-thach-thuc-khong-it-95278.html