Cơ hội phát triển chiến lược: Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng đứng đầu thế giới
Hội nghị trung ương Trung Quốc trong 4 ngày đã kết thúc bằng tuyên bố khẳng định nước này đang bước vào thời kỳ cơ hội phát triển chiến lược.
Các kế hoạch 15 năm tới của Trung Quốc nêu bật vai trò then chốt về sự phát triển công nghệ và tầm quan trọng của phát triển thị trường trong nước. Cuộc họp chính sách quan trọng của Bắc Kinh đã kết thúc vào hôm thứ Năm với tuyên bố khẳng định Bắc Kinh sẽ không để các áp lực bên ngoài kiềm chế sự phát triển của đất nước. Đây cũng là mục tiêu mới của quân đội Trung Quốc với mục tiêu hiện đại hóa quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2027. Theo đó, giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang đặt mục tiêu xây dựng quân đội sánh ngang hàng với nước Mỹ.
Thông cáo ban hành sau cuộc họp khẳng định Trung Quốc phải nắm bắt cơ hội trong biến động toàn cầu hiện tại để vươn lên đứng hàng đầu thế giới.
Trong khi nêu bật các rủi ro và bất ổn quốc tế thì thông cáo cũng khẳng định Trung Quốc sẽ kiên định về các chiến lược và tập trung hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Hội nghị trung ương đã nêu lên các tín hiệu kiểm soát dịch bệnh bất chấp các áp lực liên tục gia tăng từ phương Tây. Hai mục tiêu đặt ra trong cuộc họp bao gồm kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu phát triển đến năm 2035. Trong số các mục tiêu phát triển, thông cáo nêu rõ nỗ lực xây dụng quân đội hiện đại vào năm 2027, đánh dấu 100 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc.
Nhà phân tích quân sự Hong Kong – Song Zhongping khẳng định rằng mục tiêu mới đặt ra là nỗ lực đưa quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng hiện đại hàng đầu thế giới, sánh ngang tầm với quân đội Mỹ.
Ông Junfei Wu, Phó trưởng Viện nghiên cứu Tianda của Hong Kong cho rằng đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa quân đội nước này vào mục tiêu phát triển.
"Về cơ bản, mục tiêu xây dựng năng lực của PLA phù hợp với quân đội Mỹ vào năm 2027 trong kỳ vọng có thể ngăn chặn hiệu quả sự can thiệp của quân đội Mỹ xung quanh eo biển Đài Loan", ông Junfei Wu khẳng định.
Theo SCMP, Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra hai mục tiêu thế kỷ đưa Trung Quốc trở thành một xã hội thịnh vượng trong mọi lĩnh vực đến năm 2021 và đưa Trung Quốc trở thành "quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại" vào năm 2049.
Julian Gewirtz, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng Đối ngoại khẳng định các mục tiêu dài hạn này rất quan trọng. Điều quan trọng trong Hội nghị không chỉ thảo luận về kế hoạch 5 năm tiếp theo mà còn xây dựng tầm nhìn 2035, mở rộng khả năng tự lực về công nghệ và các mục tiêu khác để phát triển kinh tế và xã hội.
Thông cáo cho biết Trung Quốc đã đạt được các thành tựu đáng kể trong việc kiềm chế đại dịch và đạt được các tiến bộ tích cực trong chính sách ngoại giao.
Hội nghị cũng đã nêu ra các vấn đề bất ổn quốc tế ngày càng gia tăng nhưng khẳng định Tổng thống Trump đã bước vào thời kỳ "cơ hội chiến lược" thúc đẩy phát triển. Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành một quốc gia vĩ đại vào năm 2035 trong nhiều lĩnh vực bao gồm công nghệ, chất lượng sản xuất, internet, công nghệ kỹ thuật số, giao thông vận tải, thể thao, y tế, văn hóa và giáo dục.
Trong thời gian qua, sự đổi mới công nghệ là động lực cho quá trình phát triển của Trung Quốc ở thập kỷ tới.
"Vào năm 2035, sức mạnh kinh tế và công nghệ sẽ đánh dấu bước tiến nhảy vọt đưa Trung Quốc đi đầu trong số các quốc gia đổi mới. Chúng ta nên nhấn mạnh đến tính chất chủ chốt trong quá trình đổi mới công nghệ của kế hoạch hiện đại hóa toàn diện và đưa sự tự lực về công nghệ trở thành trụ cột chiến lược phát triển Trung Quốc", hội nghị nêu rõ.
Chưa hề đề cập đến khái niệm "Made in China 2025", dự án tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghiệp và sáng tạo vẫn tiếp tục là mục tiêu lâu dài của nước này.
Thông cáo cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tốc độ xây dựng các ngành công nghiệp hiện đại và đưa nước này thành một siêu cường công nghiệp, trực tuyến và kỹ thuật số.
"Chúng ta phải hình thành một thị trường nội địa lớn mạnh và đẩy nhanh tốc độ phát triển nhu cầu trong nước", thông cáo nêu rõ.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy chiến lược lưu thông kép nhằm phát triển thị trường nội địa trong khi vẫn mở cửa thương mại và đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng hệ sinh thái kinh tế ít chịu áp lực từ các trừng phạt và bất ổn ở bên ngoài.
Hội nghị nhấn mạnh tính quan trọng đảm bảo an ninh kinh tế và xã hội.
Nhà phân tích chính trị Đại học Khoa học Trung Quốc – Xie Maosong nói rằng thông cáo đưa ra cái nhìn tổng thể về lĩnh vực mà Trung Quốc đặt mục tiêu hướng tới.
"Trung Quốc hiểu sâu sắc những thiếu sót của mình và tập trung nỗ lực trong chiến lược cải thiện trong thời gian tới", Xie Maosong khẳng định.
Bắc Kinh sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến công nghệ kỹ thuật số trong tương lai vì đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát đại dịch.