Cơ hội phát triển Chính phủ điện tử
Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) và các bưu điện địa phương đã xác định việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, bố trí đầy đủ nhân lực, điểm tiếp nhận cũng như các phương tiện cần thiết để bảo đảm việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả nhanh chóng, an toàn.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ tháng 3 trở lại đây, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã tăng gấp hai lần, đạt 24%. Sau 20 năm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), tỷ lệ này mới đạt 12%. Hoạt động phát triển CPĐT của các bộ, ngành không chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, thậm chí còn có xu hướng được đẩy nhanh hơn do phát sinh mạnh nhu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trên trục liên thông văn bản quốc gia, họp trực tuyến giữa các cấp để ứng phó dịch,... Có thể nói, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng ở góc độ khác đã mang lại cơ hội cho một số lĩnh vực, trong đó có CPĐT.
Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã rất nỗ lực phát triển CPĐT; trong đó, tỷ lệ cung cấp DVCTT (trên các cổng dịch vụ công) là một trong những chỉ số đo lường quan trọng khi lấy người dân là trung tâm phục vụ của các cơ quan nhà nước. DVCTT được cung cấp đến người dân mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm minh bạch hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện. Theo tính toán, chúng ta tiết kiệm được gần 6.500 tỷ đồng/năm do vận hành cổng dịch vụ công các cấp, trong đó riêng Cổng dịch vụ công quốc gia tiết kiệm 3.036 tỷ đồng. Từ tháng 12-2019 đến nay, đã có gần 250 DVCTT mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 100 nghìn tài khoản đăng ký; 4,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 27,5 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, việc đẩy mạnh cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4 càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã hướng dẫn, đôn đốc, cấu trúc lại, tích hợp cung cấp DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia để kêu gọi cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp sử dụng DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, hoàn thành việc tích hợp, cung cấp 30% các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch năm 2020 của bộ, ngành, địa phương trên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương thực hiện tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, để thúc đẩy sự phát triển của CPĐT cũng như tăng cường tỷ lệ sử dụng các DVCTT, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc mạnh mẽ, triển khai ngay và hiệu quả Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tập trung tối đa hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền. Việc hưởng ứng của cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin CPĐT đã được triển khai thời gian qua, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.