Cơ hội phát triển kinh tế từ thúc đẩy thanh toán số

Việt Nam có cơ hội lớn đẩy nhanh phát triển kinh tế qua việc giao dịch thanh toán nhiều hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Từ phía Chính phủ, vấn đề đặt ra là làm sao thiết kế cấu trúc hạ tầng phù hợp nhằm đảm bảo tính khả dụng và động lực để chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Việt Nam có cơ hội lớn đẩy nhanh phát triển kinh tế qua việc giao dịch thanh toán nhiều hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.

Việt Nam có cơ hội lớn đẩy nhanh phát triển kinh tế qua việc giao dịch thanh toán nhiều hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.

Thanh toán không dùng tiền mặt còn cách xa mục tiêu kỳ vọng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công trong quý III/2020 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 82,2 triệu món, giá trị đạt 59,1 triệu tỷ đồng, tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ đạt 606,3 triệu món và đạt 4,9 triệu tỷ đồng, tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Số lượng giao dịch thanh toán qua thẻ đạt gần 205,6 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 475,9 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 240,9 triệu giao dịch với giá trị đạt 15,2 triệu tỷ đồng, tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 574,4 triệu giao dịch với giá trị đạt 5,9 triệu tỷ đồng, tăng 184,2% về số lượng và 186,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với đó, lĩnh vực thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển. “Đến cuối tháng 7/2020, số lượng thẻ đang lưu hành đạt mức 107,7 triệu thẻ, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019”, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết.

Mặc dù đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, song nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao. Theo ông Richard D. McClellan - cố vấn cao cấp về chiến lược kinh doanh và phát triển kinh tế RMAC Advisory, trong khi thị trường thương mại điện tử và di động đang phát triển mạnh, sức thâm nhập của giao dịch thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam vẫn chưa cao. Người Việt Nam vẫn ưa chuộng và quen thuộc với hình thức thanh toán bằng tiền mặt, kể cả với các giao dịch thương mại điện tử.

Chính vì vậy, tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này được đánh giá rất lớn. Với lợi thế của thị trường đi sau, Việt Nam còn có thể tận dụng cơ hội để “nhảy cóc”, bỏ qua giai đoạn thanh toán không dùng tiền mặt bằng các giải pháp ngân hàng truyền thống để ứng dụng các giải pháp thanh toán online tiện lợi. Sự phát triển nở rộ của các công ty thanh toán Fintech (công nghệ tài chính) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; các khách hàng nhỏ, lẻ, vùng sâu, vùng xa… nơi ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng có thể dễ dàng sử dụng các giải pháp thanh toán phi tiền mặt.

“Việt Nam đang nhanh chóng khắc phục tình trạng người dân thiếu tài khoản ngân hàng vào đúng thời điểm để hỗ trợ (và được hỗ trợ) bởi những định chế mới sử dụng Fintech. Đa số thị trường Fintech ngày nay tập trung vào thanh toán điện tử” - ông Richard D. McClellan cho biết.

Cần hạ tầng phù hợp cho thanh toán số

Trong số các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt hiện nay, ví điện tử là loại hình đang phổ biến với hàng chục ví khác nhau của cả trong và ngoài nước. Mặc dù ứng dụng thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng và ví điện tử đều có lợi thế riêng, song ví điện tử đang tạo ra khách hàng trung thành tốt hơn ngân hàng truyền thống.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT Momo (ví Momo), để có thể cạnh tranh và phát triển, xu hướng của các ví điện tử đang hướng tới là Super App, nơi dịch vụ thanh toán là nền tảng và đi kèm với đó là hàng loạt các ứng dụng gắn kèm như bán vé máy bay, bảo hiểm, giải trí… Nhiều ví điện tử, trong đó có Momo đang hướng tới việc thu hút, kết nối các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, cá nhân buôn bán nhỏ lẻ… là những đối tượng yếu nhất trong chuỗi phân phối để giúp họ số hóa. “Sự khác biệt lớn nhất của thị trường Việt Nam là không có ai thống trị toàn bộ hệ sinh thái, mà mỗi đơn vị mạnh ở một ngách thị trường khác nhau. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm phát triển sâu về dịch vụ, thay vì phát triển theo chiều rộng như các năm trước. Việc này hứa hẹn khách hàng sẽ được phục vụ ngày một tốt hơn và có nhiều sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của mình” - ông Nguyễn Bá Diệp cho biết.

Trên thế giới, việc chuyển sang giao dịch không tiền mặt là rất quan trọng, tái tạo toàn cảnh ngành Ngân hàng thông qua cạnh tranh và hợp tác triệt để. Đánh giá cao tiềm năng của thị trường thanh toán Việt Nam, song chuyên gia cũng đưa ra những điều cần lưu ý. Đơn cử như khung pháp lý cũng như quy mô cho Fintech phát triển vẫn chưa đầy đủ. Ví điện tử chỉ dành cho người có tài khoản ngân hàng, trong khi việc mở tài khoản ngân hàng còn chưa thuận tiện. Ngân hàng truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từng là một nhà tư vấn cho nhiều quốc gia, nguyên thủ, ông Richard D. McClellan cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn đẩy nhanh phát triển kinh tế qua việc giao dịch thanh toán nhiều hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Từ phía Chính phủ, vấn đề đặt ra là làm sao thiết kế cấu trúc hạ tầng phù hợp để đảm bảo tính khả dụng và động lực để chuyển sang thanh toán phi tiền mặt. Về mặt chính sách, cần có chính sách phù hợp, cơ chế khuyến mại để hướng dẫn và khuyến khích cả người bán và người dùng.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 16 (ACGM), lãnh đạo các ngân hàng trung ương ASEAN đã cùng thảo luận về chủ đề thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Theo các diễn giả, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu dân số trẻ, người dân khá cởi mở và sẵn sàng với các ứng dụng kỹ thuật số. Do đó, việc chuyển đổi số của ngành Ngân hàng trong khu vực ASEAN là một xu hướng tất yếu. Hiện nay, nhiều quốc gia ASEAN đã xây dựng, ban hành Chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-10-06/co-hoi-phat-trien-kinh-te-tu-thuc-day-thanh-toan-so-93103.aspx